Dân tộc

Hà Nội: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất lần thứ IV năm 2024

P.V 14/06/2024 16:55

Trong 2 ngày 13 và 14/6, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) lần thứ IV năm 2024 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Quang cảnh Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) lần thứ IV năm 2024.
Quang cảnh Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) lần thứ IV năm 2024.

Báo cáo tại Đại hội cho biết, toàn huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) có 3 xã miền núi: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình, có trên 13.000 người, chiếm 5,68% dân số, thuộc 29 dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện.

Trong những năm qua, Huyện uỷ, UBND huyện Thạch Thất đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài việc tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương và Thành phố; huyện đã dành nhiều nguồn lực và triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và các xã miền núi.

Đến nay, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện đã có nhiều đổi mới và tiến bộ. Tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 12,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm; hệ thống cơ sở hạ tầng Điện, Đường, Trường, Trạm được đầu tư nâng cấp; cả 3 xã miền núi đều được nhựa hóa, bê tông hóa đường liên thôn, liên xã; tổng mức đầu tư cho 3 xã miền núi 5 năm qua trên 628 tỷ đồng.

Công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa đạt kết quả quan trọng, 100% thôn bản thuộc 3 xã miền núi đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa. Công tác đầu tư các thiết chế văn hóa được quan tâm, đến nay xã Tiến Xuân có 7/7 Nhà văn hóa thôn, xã Yên Bình có 1 trung tâm văn hóa xã và 6/6 nhà văn hóa thôn, xã Yên Trung có 4/4 nhà văn hóa thôn.

Công tác Giáo dục và đào tạo; y tế tiếp tục được chú trọng, có bước phát triển, cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư. Đến nay trên địa bàn 3 xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi đã có 10/12 trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt tỷ lệ 83,33%); chất lượng giáo dục đào tạo trong các trường ngày càng được nâng lên và đồng đều với các trường trong huyện; các trường học thực hiện tốt việc duy trì số lượng học sinh trong độ tuổi đi học; giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học.

Nhiều phong trào thi đua yêu nước đã thu hút được sự tham gia của đồng bào các dân tộc, như: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…

Phát biểu tại Đại hội, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân khẳng định: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất lần thứ IV năm 2024 là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, biểu tượng cho sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện, hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện Thạch Thất (13/7/1954-13/7/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các kế hoạch của UBND TP Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà Nội; đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật các xã miền núi phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; khai thác hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư, nâng cao các tiêu chí, phấn đấu cả 3 xã miền núi của huyện đạt tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Quan tâm công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân.

Nhân dịp này, huyện Thạch Thất có 3 tập thể và 5 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội; 3 tập thể và 10 cá nhân được trao tặng Giấy khen của Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội; 27 tập thể và 30 cá nhân được trao tặng Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện có thành tích tiêu biểu trong công tác dân tộc trên địa bàn Huyện giai đoạn 2019-2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất lần thứ IV năm 2024