Hà Nội đề xuất tăng giá vé xe buýt: Liệu chất lượng dịch vụ có tăng?

Lê Khánh 30/10/2023 14:00

Việc đề xuất tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/1/2024 cũng được nhiều người dân đồng tình. Song, ai nấy đều mong muốn khi tăng giá vé thì chất lượng dịch vụ cũng phải tăng theo.

Đề xuất tăng giá vé xe buýt từ 1/1/2024

Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, với giá vé lượt, cự ly dưới 15 km có mức điều chỉnh thấp nhất từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25 km từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30 km từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40 km từ 9.000 lên 15.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40 km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.

Vé tháng có mức tăng trung bình 40%. Cụ thể học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng). Vé tập thể đi một tuyến 100.000 đồng (hiện 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện 140.000 đồng).

Người có công, người cao tuổi (60 trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt. Ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ 30% vé tháng với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Hành khách đi xe buýt điện.

Lý giải nguyên nhân điều chỉnh theo hướng tăng giá vé xe buýt, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng từ năm 2014 đến nay, thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân.

Trong khi, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Cụ thể, đơn giá vận hành 1km trung bình của 3 loại xe buýt thông thường là 21.080 đồng (tương đương tăng 46,95% so với năm 2014).

Các loại hình xe buýt năng lượng sạch cũng cao hơn nhiều so với loại buýt thường (buýt điện là 27.929 đồng, tăng 62% so với buýt thường năm 2014; buýt CNG là 21.821 đồng, tăng 48,6% so với buýt thường năm 2014).

Trong trường hợp tiếp tục giữ nguyên giá vé từ năm 2014, thời gian tới khả năng cân đối ngân sách khá lớn để trợ giá chi cho hoạt động vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là chi cho việc đầu tư đổi mới phương tiện năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ.

"Việc điều chỉnh giá vé xe buýt sẽ tác động không lớn đến thu nhập của đa số người dân sử dụng dịch vụ xe buýt và vẫn cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác. Đảm bảo giá vé phù hợp và công bằng cho hành khách sử dụng đối với chuyến đi có các cự ly ngắn và dài", ông Thường nhận định.

Chất lượng dịch vụ phải tăng thì mới nên áp dụng tăng giá

Là một người thường xuyên sử dụng xe buýt để đi học, chị Nguyễn Thị Minh (Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, hiện tại giá vé di chuyển bằng xe buýt khá thấp, việc tăng giá vé có thể áp dụng được, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

"Tôi nghĩ trước mắt các đơn vị quản lý phải thay đổi chất lượng dịch vụ để nhiều người cảm thấy việc tăng giá vé đi xe buýt là phù hợp. Như vậy thì ai lấy cũng sẽ sẵn sàng chi trả", chị Minh cho hay.

Theo chị Minh, tại khu vực nội đô hiện nay đã có rất nhiều nhà chờ xe buýt. Song, tại khu vực ngoại thành (như Chương Mỹ) hiện tại vẫn chưa có nhà chờ xe buýt, khiến người dân phải đứng nắng, đứng mưa. Cho nên, dù ở nội thành hay ngoại thành ai cũng cần phải được hưởng chất lượng dịch vụ như nhau.

Việc tăng giá vé được nhiều người dân ủng hộ nhưng họ mong muốn chất lượng dịch vụ xe buýt ngày càng tốt hơn.

Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, hiện nay Hà Nội chưa tăng giá xe buýt nhưng chất lượng phương tiện, phục vụ đang được cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu tới doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phải thay đổi, nâng lên từng ngày.

"Hơn 1 năm qua, Hà Nội đã đưa ra bộ tiêu chí quản lý chất lượng cho xe buýt. Thông qua bộ tiêu chí đã chấm điểm, xếp sao và là căn cứ để đơn vị vận hành tồn tại hay không", lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội khẳng định.

Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình đánh giá, Hà Nội tăng giá xe buýt vào thời điểm đầu năm 2024 là hoàn toàn phù hợp. Bởi việc giữ nguyên giá vé 9 năm là khá dài, nhiều chi phí vận hành cũng đã tăng. Mặt khác, đa số người dân sẽ chấp nhận vì không có phương tiện giao thông công cộng nào lại rẻ như đi xe buýt.

Đơn cử như cự ly tuyến dưới 15km chỉ tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng thì mức tăng này khiêm tốn, cũng là rẻ nhất so với các phương tiện vận tải khác, không phải là mức tăng lớn, ảnh hưởng tới thu nhập của người dân.

Tương tự, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, qua những lần cơ cấu lại giá vé xe buýt, người dân không quan tâm đến giá vé vận tải mà là độ tiện lợi của loại hình này.

“Mức giá vé hiện đang áp dụng từ năm 2014 mà chưa điều chỉnh, trong khi các yếu tố đầu vào về nhiên liệu, lương người lao động đã có sự gia tăng đáng kể. Ngân sách thành phố không thể ‘gánh’ được thêm thì bắt buộc phải tăng giá vé đề bù đắp,” ông Thông cho hay.

Ông Bình cũng cho hay, đáng nhẽ năm 2020 phù hợp để Hà Nội tăng giá vé buýt nhưng do dịch Covid-19 nên cơ quan quản lý Nhà nước không thể tiến hành tăng giá được mà phải lùi đến thời điểm này.

"Hiện nay lượng hành khách đi lại nhiều, ngoài tệp khách truyền thống trước đây như học sinh, sinh viên, người cao tuổi thì người đi làm, khối dân công sở đi lại nhiều hơn… Vì vậy tăng giá xe buýt với mức nói trên không làm ảnh hưởng lớn tới hành vi đi lại của người dân.

Có thể có người băn khoăn, nhưng đa số sẽ chấp nhận vì không có phương tiện giao thông công cộng nào lại rẻ như đi xe buýt", ông Bình nói.

Mặt khác, theo ông Thông các đơn vị quản lý cũng cần lưu ý mức điều chỉnh giá vé làm sao cho chi phí việc đi lại không vượt quá 10% thu nhập của người dân. Như vậy, điều chỉnh giá vé xe buýt sẽ chỉ tác động đến người đi lại vãng lai; còn học sinh, sinh viên thì vẫn có trợ giá để thu hút người dân đi xe buýt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội đề xuất tăng giá vé xe buýt: Liệu chất lượng dịch vụ có tăng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO