Theo thông báo mới nhất do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký, dù toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (vùng nguy cơ) trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng chỉ còn 1 huyện ở cấp độ 1 (an toàn), có đến 8 quận trung tâm ở cấp độ 3 (nguy cơ cao). So với trước đó 1 tuần, Hà Nội có thêm tới 6 quận chuyển “màu cam” (nguy cơ cao).
Hiện, thành phố Hà Nội chỉ còn duy nhất một huyện Phúc Thọ là còn “xanh”. Vậy là chỉ sau có 7 ngày, có tới 3 quận, huyện đã chuyển từ “màu xanh” sang “màu vàng” và “màu cam”. Tính tới thời điểm ông Dũng ký thông báo về tình hình dịch trên địa bàn, Hà Nội có 21 quận, huyện, thị xã ở trạng thái “màu vàng” (cấp độ 2), 8 quận “màu cam” (cấp độ 3).
Toàn thành phố có 396 xã, phường, thị trấn ở trạng thái an toàn; 116 xã, phường ở mức độ nguy cơ và 67 xã, phường ở mức nguy cơ cao. So với thông báo hôm 17/12, thành phố Hà Nội có thêm tới 42 xã, phường và 6 quận trung tâm chuyển “màu cam”. Việc “chuyển màu” nhanh của Hà Nội vì số ca mắc cộng đồng mỗi ngày cao dẫn đến quá tải y tế, khó truy vết.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, các quận “màu cam” có số ca bệnh tăng vọt trong những ngày qua. Cụ thể, quận Ba Đình có số ca mắc trong cộng đồng là 259/100.000 dân/tuần. Con số tương ứng với các quận như sau: Quận Đống Đa 228, Hai Bà Trưng 273, Hoàn Kiếm 176, Hoàng Mai là 207, Long Biên là 192, Nam Từ Liêm là 201, Tây Hồ 157.
Số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày của thành phố Hà Nội trong những ngày qua liên tục tăng ở mức 4 con số hết sức đáng lo ngại. Trong đó có tới 1/3, thậm chí non nửa là số ca mắc cộng đồng. Nhiều quận, huyện, phường, xã, trị trấn đã trở nên quá tải, gần như bó tay bất lực khi ca F0 quá nhiều. Điều đó khiến tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp.
Đơn cử, có nơi như phường Đức Giang (quận Long Biên), một số người được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 rồi nhưng không hề được y tế phường “để mắt” mà tự do ở nhà không hề bị cấm kỵ tiếp xúc. Một số người lo lắng gọi ra y tế phường thì nhận được câu trả lời: “Đang quá tải cứ từ từ”.
Về nguyên tắc, theo chỉ đạo của Ban Chống dịch thành phố, chỉ những ca F0 có đủ điều kiện mới được cách ly ở nhà và phải đảm bảo các yếu tố an toàn phòng, chống lây lan dịch bệnh. Song, hiện ở không ít phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội, các F0 phải tự lo lấy thân, hầu như khó trông mong vào sự quan tâm của y tế phường hay trạm y tế lưu động.
Trước đó cả vài tháng, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải lập ngay các trạm y tế lưu động để đảm bảo ứng cứu, hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Cách đây chỉ có hai ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã lệnh cho ngành y tế và các địa phương phải tăng cường năng lực y tế, không để người dân khi cần không thể tiếp cận được. Song, thực tế hiện nay ở Hà Nội khiến nhiều người dân lo lắng không yên, nhất là gia đình và bản thân các F0, khi mà họ khó tiếp cận dịch vụ y tế cơ sở.
Có lẽ đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc Hà Nội mấy ngày qua liên tục có số ca mắc Covid-19 mới ở mức trên 1.500 ca, trong đó nhiều ca cộng đồng. Và với việc liên tục “đạt đỉnh” cao nhất của cả nước về số ca mắc mới mỗi ngày, thì việc có thêm 6 quận và 42 phường, xã, thị trấn “chuyển màu” từ “vàng” sang “cam”; 3 quận, huyện bị “bay màu” xanh là điều sẽ phải xảy ra. Việc thành phố Hà Nội đang “đổi màu” nhanh thực sự lo ngại và đáng báo động!