Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2, có chiều dài 3,7km, chia làm 4 đoạn. Đối với đoạn 1, đoạn 2 (từ nút giao Khách sạn Thắng Lợi đến ngõ 124 Âu Cơ) và đoạn 4 (từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân).
Quay trở lại thi công
Dự án mở rộng tuyến đường Âu Cơ được đầu tư xây dựng nhằm mục đích hạn chế ùn tắc giao thông quận Ba Đình, Tây Hồ. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư.
Đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm, là tuyến đường quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô, kết nối gần nhất với trung tâm hành chính Ba Đình và sân bay quốc tế Nội Bài, mật độ giao thông luôn đông đúc. Tuy nhiên, tuyến đường chỉ có bề rộng 8 đến 9m, 2 làn xe; mặt đường hẹp, hạ tầng thiếu đồng bộ, thường xuyên ùn tắc kéo dài. Do vậy, việc chỉnh trang, cải tạo là rất cần thiết.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo ra đoạn đê kết cấu bằng bê tông cốt thép thay thế cho kết cấu đất; được mở rộng từ 2 làn thành 4 làn xe chạy. Cùng với đó, mỗi bên còn được cải tạo 2 làn đường gom hai bên phía dưới đảm bảo 2 làn xe chạy hỗn hợp.
Thời gian qua, toàn bộ dự án phải ngừng thi công từ ngày 15/6 đến 31/10/2022 do trong mùa mưa lũ; cùng với đó, các bên nỗ lực giải quyết một số thủ tục vướng mắc liên quan đến an toàn đê điều. Mới đây, dự án đã được tái khởi động với nhiều kỳ vọng của người dân nhằm giảm thiểu ùn tắc trong khu vực và phát triển kinh tế.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, hiện đơn vị thi công đã tiến hành rào chắn thi công đoạn số 1 (từ nút giao Khách sạn Thắng Lợi đến ngõ 124 Âu Cơ). Do ảnh hưởng của việc rào chắn tuyến đường Âu Cở xảy ra tình trạng ùn ứ trong giờ cao điểm. Song, nhờ có lực lượng chức năng phân luồng tình trạng ùn ứ đã giảm, các phương tiện di chuyển thuận lợi.
Ông Doãn Trọng Lực, đại diện nhà thầu Xuân Quang cho biết, sau khi được Sở GTVT cấp phép thi công 200m đoạn đầu tuyến từ km0+00 đến km 0+200 nhà thầu đã huy động máy móc, 2 máy xúc, 2 máy lu và toàn bộ các loại máy móc liên quan đến việc ép cọc ván thép để thi công ép, giữ mặt đường và tiến hành đào kết cấu nền đường.
Tuy nhiên, với số lượng máy móc thưa thớt như vậy nhiều người dân cũng cho rằng, chủ đầu tư nên yêu cầu nhà thầu Xuân Quang bổ sung thêm nhiều máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Cam kết hoàn thành đoạn 1 trước Tết Nguyên đán
Theo vị đại diện nhà thầu, ngay sau khi được cấp phép, nhà thầu lập tức tổ chức các biện pháp thi công, lập kế hoạch tổng thể cho các đoạn đường cấp phép cố gắng hoàn thiện bao gồm nền, mặt đường, tường chắn… trước Tết Nguyên Đán.
“Đối với tuyến 5m thà thầu đã phối hợp với các đơn vị điện, nước sạch di chuyển các hệ thống. Trong thời gian tới nhà thầu sẽ hoàn trả mặt bằng và thảm mặt đường 5m để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân”, ông Lực cho hay.
Theo vị đại diện nhà thầu, hiện nay nhà thầu cũng đang gặp nhiều khó khăn do giá vật tư, vật liệu leo thang chênh gấp 2,3 lần. Việc mua vật liệu khan hiếm cũng gây khó khăn cho nhà thầu tổ chức thi công. Tuy nhiên, đây là dự án trọng điểm của thành phố, nhà thầu quyết tâm hoàn thành công trình theo đúng tiến độ cam kết.
Bên cạnh đó, đề cập tới việc giá vật liệu leo thang liệu chất lượng công trình có được đảm bảo, đại diện nhà thầu nhấn mạnh: “Dù giá vật liệu tăng cao nhưng nhà thầu sẽ đảm bảo thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật đã đề ra”.
Đề cập tới đoạn 3, ông Nguyễn Huy Sỹ, Cán bộ Phòng quản lý dự án 1, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cho biết, ngày 15/11 Sở Nông nghiệp đã có văn bản trình thành phố để xin thỏa thuận cấp phép thi công. Dự kiến thành phố sẽ cấp phép trong tuần này. Cùng đó, Sở GTVT sẽ cấp phép phân luồng giao thông để thi công đoạn 3.
“Vừa qua, các sở, ban ngành liên quan thống nhất và cho phép thi công theo phương án thiết kế mới được duyệt là một cấp thay vì hai cấp như trước. Cụ thể sẽ xây dựng một đường dẫn đê bê tông hình chữ L sát nhà dân và giữ lại đường có bề rộng 5m.
Đối với phương án thi công này, cảnh quan sẽ bị ảnh hưởng vì nhà dân không được tiếp cận ra mặt đường như phương án trước đã được thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, phương án phân luồng thi công này đang là phương án tối ưu nhất, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều được các sở, ban, ngành tính toán kỹ lưỡng”, ông Sỹ nhấn mạnh.