Chiều tối ngày 5/7, khu vực Hà Nội đã có mưa dông rất to, lượng mưa có nơi lên tới 161,5 mm gây ngập úng nhiều nơi. Trong cơn dông có kèm lốc, sét, gió giật mạnh, giao thông tê liệt.
Theo bản tin của Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, lượng mưa đo được phổ biến từ 47,3 - 90,5 mm. Đặc biệt tại trạm Hoài Đức lượng mưa đo được lên tới 161,5mm gây ngập sâu và hư hại nhiều rau màu, cây ăn quả.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thành phố Hà Nội, mưa dông ngày 5/7 đã gây thiệt hại, úng ngập, cây đổ nhiều nơi trên địa bàn. Cụ thể:
Theo báo cáo của công ty Thoát nước Hà Nội, do cường mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa tập trung từ (50-100 mm)/45 phút nên xuất hiện hiện tượng dềnh nước ở các điểm lưu vực sông Tô Lịch gồm các điểm Liễu Giai, Thụy Khuê; lưu vực sông Nhuệ gồm các điểm Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt, Trần Bình, Hoa Bằng, Đại lộ Thăng Long, Phú La…
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã triển khai các phương án ứng trực, chống úng ngập theo phương án đã được đề ra trước đó.
Các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Xuân nhiều điểm ngập tới 40-60 cm, 6 cây xanh bị đổ, giao thông lúc tan tầm gần như tê liệt.
Tại các huyện ngoại thành, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng lên tới 96 ha. Trong đó huyện Thanh Oai bị ảnh hưởng nhiều nhất với 70 ha, Mỹ Đức 15 ha, Hoài Đức 10 ha, Đan Phượng 1 ha.
Toàn thành phố đang vận hành 3 trạm bơm tiêu, các công trình thuỷ lợi được an toàn.
Theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao nên ngày 6/7 thành phố Hà Nội có mưa rào và dông cục bộ, có mưa vừa, mưa to (tập trung chiều tối và đêm). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo đợt mưa giông này có khả năng kéo dài đến ngày 9/7, cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét là cấp 1.
Đề chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị: Tăng cường công tác thông tin truyền thông về tình hình thiên tai mưa úng cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; duy trì hệ thống kỹ thuật ứng trực theo phươnng án đảm bảo an toàn; đảm bảo an toàn đê điều, đập, hồ chứa nước; phòng chống ngập úng, tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn các công trình thuỷ lợi.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, trực ban nghiêm túc, báo cáo kịp thời về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố.