Vừa qua, cuộc sống yên bình của những người dân ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị xáo trộn khi hàng chục hộ dân bị dựng khống hồ sơ, giả mạo chữ ký để làm sổ đỏ... Sau đó, chính quyền địa phương chuyển nhượng, bán cho bên thứ ba.
Dựng khống hồ sơ, giả mạo chữ ký để làm sổ đỏ?
Năm 2008, UBND xã Nam Phương Tiến lập đề án khai thác và huy động các nguồn vốn từ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đất ở ven làng Đông Nam được đưa vào đề án.
Theo các bô lão trong làng, khu đất ven làng Đông Nam cạnh đình làng có nguồn gốc hình thành từ những năm 1968, được nhân dân trong thôn đào ao (2 ao), thả cá và giao khoán cho một số người dân trong thôn nuôi cá một thời gian dài.
Đến khoảng năm 1980 ao cá bị cạn nước, toàn bộ phần diện tích này được người dân trong thôn tiếp tục sử dụng làm nơi sinh hoạt cho toàn bộ nhân dân của thôn Đông Nam như: Tổ chức Lễ giỗ tổ Hùng Vương 10-3 (âm lịch), tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Rằm Trung thu, ngày Quốc khánh 2-9...
Sau đó, ông Phùng Văn Thế (lúc đó là Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến – PV) thông qua đề án 01 ban hành ngày 15/10/2008, sau đó cấp sổ đỏ và chuyển nhượng cho bên thứ 3.
Theo người dân, các trường hợp cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất ban đầu đều là hồ sơ dựng nên, không phải là người sử dụng đất như các cá nhân: Kiều Văn Đức, Hoàng Công Huân, Nguyễn Minh Cao, Cao Xuân Rô, Nguyễn Minh Phong, Kiều Văn Ban, Lương Văn Sử, Cao Xuân Tiến. Do vậy, xét về yêu cầu theo tiêu chí của đề án thì những người này đều không phải là đối tượng để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Những người đứng tên trong hồ sơ cấp đất cũng cho rằng mình bị giả mạo chữ ký trong hồ sơ cấp đất lần đầu. Cụ thể, trong danh sách tổng hợp số liệu kèm theo đề án của UBND xã Nam Phương Tiến thì khu đất ven làng thôn Đông Nam có 11 người có tên được cấp sổ đỏ. 5 người gồm các ông Hoàng Công Huân, Nguyễn Văn Long, Lương Văn Sử, Cao Xuân Tiến, Nguyễn Huy Đài làm đơn tố cáo mình đã bị giả mạo chữ ký.
“Gia đình tôi được làm bìa đỏ khu đất với diện tích 266 m2, UBND xã đã làm khống hồ sơ cho gia đình tôi. Tôi không biết gì cả, gia đình tôi rất bức xúc bởi chúng tôi không hề ký vào văn bản nào vẫn được làm sổ đỏ, xong bán sang tay bên thứ 3 gia đình cũng không biết. Sau này, tôi mới biết khi nhìn thấy bản photo bìa đỏ của tôi ở UBND xã Nam Phương Tiến, mong muốn cơ quan làm rõ, đúng pháp luật” – ông Lương Văn Sử bức xúc nói.
Nhiều thông tin về khu đất sai sự thật
Thông tin phóng viên ghi nhận, đề án 01 để các thửa đất xen kẹt được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đáp ứng một số tiêu chí, trong đó tiêu chí quan trọng là sử dụng ổn định từ trước 1/7/2004.
Tuy nhiên, những người đứng tên hộ không phải là người sử dụng và toàn bộ khu đất bị xẻ nhỏ nhờ đứng tên hộ không thuộc một cá nhân nào sử dụng đất cả. “Tôi lớn lên ở làng, xưa người dân thả cá ở đây. Phải đến năm 2012 nhân dân thôn Đông Nam mới tiến hành việc san lấp 2 ao để phục vụ mục đích công cộng, xây đình làng. Vậy dựa vào thông tin nào, căn cứ hiện trạng nào để xác định là khu đất đã bị lấn chiếm, có nhà từ năm 1997?” – cụ ông Đỗ Đình Lãng, ở thôn Đông Nam nói.
Hơn nữa, nhìn vào hồ sơ cấp giấy chứng nhận đất ban đầu đều xác định, hiện trạng các thửa đất được cấp đều có mặt tiếp giáp với khu văn hoá. Tuy nhiên, đến năm 2014 khu đình làng của thôn Đông Nam mới được xây dựng, còn thời điểm được cấp vẫn là các ao nuôi cá do vậy không hề có khu văn hoá như xác định trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận.
Theo người dân thôn Đông Nam, trong số các cá nhân được mượn tên, dựng hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ông Cao Xuân Rô (lúc đó là trưởng thôn Đông Nam). Ông Rô được đứng tên 1 thửa đất nhưng điều đặc biệt là trong các sổ đỏ được cấp, ông Rô được ký nhiều chữ ký giáp ranh.
"Đây là điều phi lý, không đúng quy định của pháp luật, bởi lẽ ông Rô chỉ đứng tên 1 thửa đất, nên về hiện trạng thửa đất của ông Rô chỉ có thể tiếp giáp 1 thửa đất liền kề bên cạnh. Tuy nhiên, thực tế thì ông Rô được ký rất nhiều giáp ranh thửa đất làm cơ sở và căn cứ quan trọng để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người có liên quan" - ông Kiều Văn Ban thắc mắc.
“Lô đất của tôi là quả đồi cạnh thửa đất này, đất tôi là đất giản dân. Sau đó tôi được cán bộ xã gọi lên nhiều lần ký giáp ranh với lý do làm bìa đỏ cho gia đình. Tôi ký nhiều biên bản sau đó mới biết là họ lừa tôi để ký làm bìa đỏ cho các lô đất biên cạnh" - ông Nguyễn Minh Cao kể lại.
Chuyển nhượng sổ đỏ nhưng chủ sở hữu không biết
Theo 8 hộ dân đứng trong đơn tố cáo: Kiều Văn Đức, Hoàng Công Huân, Nguyễn Minh Cap, Cao Xuân Rô, Nguyễn Minh Phong, Kiều Văn Ban, Lương Văn Sử, Cao Xuân Tiến... năm 2008 bị cán bộ UBND xã Nam Phương Tiến bị lập khống hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi được cấp bìa đỏ đều không được giữ bất kỳ giấy chứng nhận đất nào.
“Sau cơn sốt đất vừa qua, giá đất lên cao, các thửa đất do những người đứng tên khống nêu trên đều đã được chuyển nhượng sang tên cho người khác. Có rất nhiều trường hợp, thửa đất đã được thế chấp cho ngân hàng đến khi không trả được nợ, ngân hàng thực hiện việc thu giữ thửa đất thì một trong những người có tên cấp sổ ban đầu mới biết. Gia đình tôi cũng bất ngờ khi biết từng có 1 lô đất và đã bán cho người khác, dù mình chưa bao giờ thấy bìa đỏ và ký tá giấy tờ gì” – ông Kiều Văn Ban cho biết.
Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch UBND xã Hoàng Bá Phích cho biết: Đã nhận được đơn tố cáo của người dân. Bởi vấn đề đã xảy ra từ mấy nhiệm kỳ trước nên chưa nắm được rõ sự tình vụ việc.
“Chúng tôi đã làm việc với người dân để nắm bắt thông tin, qua đó kiến nghị UBND huyện có giải pháp xử lý. Còn hồ sơ, sổ mục kê, dữ liệu về các lô đất trên văn thư đang tìm kiếm. Vụ việc làm bìa đỏ diễn ra từ lâu nên dữ liệu không được lưu trên máy tính” – ông Phích nói.
Còn theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết: Năm 2008, UBND xã Nam Phương Tiến đã đưa thửa đất có diện tích 2.467 m2 chia làm 11 thửa đất để xử lý, thu tiền. Tổng số tiền thu được có biên lai là 276.682.000 đồng và lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ dân thôn Đông Nam (8 người nay đang đứng đơn tố cáo chính quyền địa phương làm khống hồ sơ, giả mạo chữ ký của mình – PV).
Sau đó những lô đất này được UBND xã Nam Phương Tiến làm thủ tục chuyển nhượng cho 7 cá nhân khác. “Việc hàng chục hộ dân tố cáo việc dựng khống hồ sơ, giả mạo chữ ký trong hồ sơ cấp đất lần đầu, chữ ký giáp ranh, hiện trạng sử dụng đất... những vấn đề này ngoài thẩm quyền giải quyết của tôi”- vị này nói.
Cũng theo vị này, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ sẽ công tâm, khách quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ về vụ việc trên, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiến nghị UBND huyện có giải pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.
Việc Lập hồ sơ cấp giấy khống, sai đối tượng, sai diện tích cấp giấy, không đủ điều kiện để được cấp giấy là vi phạm quy định của pháp luật về đất đai. Thuộc một trong các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại điểm d, k2, Điều 106 Luật đất đai 2013 “nhà nước thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trong các trường hợp… d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai”.
Nếu có việc giả mạo toàn bộ chữ ký trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ những người dân được UBND xã nhờ đứng tên để chuyển nhượng đất cho người khác là vi phạm các quy định của Luật công chứng 2014, sửa đổi bổ sung năm 2018, tại k1, điều 48 quy định “Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên”. Việc giả mạo chữ ký đã vi phạm một trong những điều cấm quy định tại Khoản 2, Điều 7 của Luật công chứng.