Mặc dù đã chính thức được hoạt động trở lại với việc đáp ứng một số yêu cầu của TP, tuy nhiên điều mà nhiều cơ sở kinh doanh gặp phải là tình trạng “đói khát” lao động trầm trọng, đặc biệt là các quán ăn, nhà hàng.
Không thể hoạt động vì thiếu nhân viên
Chính thức 14/10, hàng loạt các hoạt động ở Hà Nội đã bị ngưng trệ từ hơn 3 tháng nay đều trở lại trạng thái bình thường mới.
Cụ thể: xe buýt, taxi chạy lại, bảo tàng, công viên mở cửa đón khách; khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được mở lại, nhà hàng bán đồ ăn uống tại chỗ, công sở làm việc bình thường...
Theo quy định mới, những nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.
Theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết Online, ngay từ những ngày đầu thủ đô cho phép các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống được mở cửa trở lại, các hàng quán đã đông đúc, nhộn nhịp trông thấy. Mặc dù vậy, nhiều cơ sở kinh doanh, chuỗi nhà hàng… vẫn không thể hoạt động hết công suất vì đang phải loay hoay tìm cách tuyển nhân viên, người lao động.
Theo đó, nhu cầu ăn uống của người dân những ngày này tăng lên đột biến, lượng khách trở lại sau chuỗi ngày đóng cửa vì giãn cách khiến chủ các cơ sở kinh doanh “mừng ra mặt”.
Thế nhưng tại nhiều nơi, lượng nhân viên không thể đáp ứng được nhu cầu này. Thậm chí, nhiều cơ sở chưa thể mở cửa trở lại vì thiếu nhân viên.
Anh Nguyễn Hoàng Tân (45 tuổi, Đội Cấn, Ba Đình) cho biết: “Nhà tôi có một nhà hàng cơm truyền thống trên đường Đốc Ngữ, mặc dù những ngày này có đến hàng trăm lượt khách đến quán nhưng chỉ phục vụ được 20% công suất do không sắp xếp đủ nhân viên”.
Cũng theo anh Tân, hầu hết nhân viên tại nhà hàng đều là những người ngoại tỉnh. Do yêu cầu của TP là các nhân viên đều phải tiêm đủ 2 mũi vaccine nên nhiều người chưa đáp ứng được vì tại nhiều nơi, việc triển khai tiêm vaccine chưa được nhanh chóng như tại Hà Nội.
Tìm lao động khó như lên trời
Không những vậy, một trong những lí do khiến lao động trong ngành dịch vụ bị thiếu hụt trầm trọng những ngày mở cửa trở lại bình thường mới còn do hoạt động vận tải chưa được thông suốt. Nhiều lao động dù rất muốn nhưng chưa thể di chuyển đến Hà Nội để tiếp tục công việc.
Anh Nguyễn Văn Tuân, quản lý tại một chuỗi nhà hàng lẩu nướng Nhật Bản cho biết: “Mặc dù có đến 6 cơ sở kinh doanh nhưng hiện nay chúng tôi chỉ mới mở cửa 2 cơ sở do thiếu lao động ở tất cả các vị trí, đặc biệt là nhân viên phục vụ. Bởi đặc thù của nhóm này là lao động bán thời gian, sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học…”.
Trong khi đó, nhóm lao động này lại chưa có mặt tại Hà Nội do các trường chưa mở cửa đón học sinh quay trở lại, bởi vậy khó khăn lại chồng khó khăn.
Cũng theo chia sẻ của anh Tuân, nhân viên nhà hàng trong những ngày này thường xuyên phải tăng ca liên tục do lượng khách đông, nhà hàng phải thực hiện thêm các chế độ thưởng nóng, bồi dưỡng cho nhân viên để họ yên tâm làm việc.
Chị Nguyễn Thị Hiền (43 tuổi, Đông Mỹ, huyện Thanh Trì) cho hay, cả 3 cơ sở kinh doanh phở của chị đều chưa thể mở lại vì nhân viên chưa lên hết Hà Nội. “Thấy các quán khác đông đúc nhộn nhịp mà sót ruột vì chưa thể mở bán. Nhưng do nhân viên không có nên đành chấp nhận chứ chẳng biết làm sao”.
Dù đã liên tục nhờ người quen tìm nhân viên cho cửa hàng với mức lương hấp dẫn, đồng thời tuyển lao động thời vụ để đợi nhân viên đủ điều kiện trở lại Hà Nội nhưng mãi không tìm được ai, chị Hiền cho biết thêm.
Tình trạng thiếu lao động ở nhóm ngành dịch vụ ăn uống khiến không ít chủ kinh doanh phải đau đầu. Theo đó, dù liên tục phải đăng tin tuyển dụng lên các trang việc làm nhưng cũng không mấy hiệu quả. Nhiều hàng quán vẫn phải đóng cửa im lìm chỉ bởi không vó nhân viên.