Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A là tuyến đường giao thông quan trọng, có vai trò rất lớn nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội đối với các huyện phía Nam Thủ đô Hà Nội, góp phần hoàn thiện tiêu chí về mật độ đường giao thông đô thị. Tuy nhiên, sau 10 năm khởi công mở rộng, nâng cấp đến nay dự án vẫn đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều hạng mục vẫn còn dang dở. Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, tại dọc hai bên đường dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi có hàng dài cột điện được dựng giữa đường, nhiều cột bị gãy hở khung sắt gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, do việc thi công đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn chưa thể hoàn thành khiến hai bên tuyến đường trở nên nhếch nhác do người dân xây nhà tạm, mái che lụp xụp. Dù sau 10 năm khởi công, hiện dự án vẫn đang giải phóng mặt bằng, tuyến đường vẫn chưa hẹn ngày về đích. Một chiếc cột điện đã gãy chân nằm tại dự án gây mất an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, về tiến độ triển khai nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn qua Văn Điển - Ngọc Hồi, với tổng chiều dài 3,8 km có tổng mức đầu tư hơn 887 tỷ đồng. Dự án được bắt đầu triển khai từ tháng 3/2012, đến nay đã thi công cơ bản xong 1/2 mặt cắt ngang đường thuộc làn bên phải và một số đoạn bên trái tuyến. Sau nhiều năm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng khiến dự án dậm chân tại chỗ, đến ngày 15/9/2022, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho Ban toàn bộ phần diện tích nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng của các hộ dân thuộc xã Tứ Hiệp (45PA với diện tích khoảng 2.800 m) và khoảng 140 hộ gia đình nằm rải rác, "xôi đỗ" trên tuyến đã bàn giao mặt bằng nhưng tái lấn chiếm, ăn ở, sinh sống trên thửa đất. Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, vướng mắc lớn nhất của toàn bộ dự án nằm trong khâu giải phóng mặt bằng khi quá trình sử dụng đất của các hộ dân phức tạp, nhiều loại đất khác nhau. Trước thực tế đó, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Thanh Trì khẩn trương phê duyệt, bổ sung, điều chỉnh 140 phương án giải phóng mặt bằng còn lại để thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cũng kiến nghị tới UBND TP Hà Nội gia hạn thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2023.