Hà Nội: Không để lao động ngoại tỉnh không có chỗ ở

Lan Hương 16/08/2021 14:57

Đây là nội dung đáng chú ý tại văn bản số 2647/ UBND-KGVX của UBND TP Hà Nội về việc hỗ trợ lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ" theo chỉ đạo của UBND Thành phố, linh hoạt, sáng tạo trong việc chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 không có nơi cư trú.

Đặc biệt, các địa phương cần chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm thời để đưa người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn, không có nơi cư trú đến tạm trú; đồng thời phân công lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch tại các điểm tạm trú.

“Các quận huyện cần chỉ đạo rà soát, lập danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19 không có nơi cư trú trên địa bàn quản lý. Tổng hợp, phân loại đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 3642/QĐ-UBND và các chính sách đặc thù hỗ trợ của Thành phố; khẩn trương hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế... tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết khó khăn của người dân” – văn bản số 204 nêu rõ.

Trong trường hợp quận, huyện, thị xã không thể bố trí được điểm tạm trú và nguồn lực hỗ trợ, thì các địa phương chủ động phối hợp với Sở LĐTB&XH Hà Nội để cùng tham mưu, báo cáo UBND thành phố tìm hướng giải quyết, với tinh thần "Không để ai không có nơi ở trên địa bàn".

Các quận huyện cũng cần phối hợp với Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố có người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 không có nơi cư trú, phải ở lại thành phố Hà Nội xây dựng phương án đưa người lao động ngoại tỉnh trở về địa phương khi đủ điều kiện...

Hiện nay nhằm hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch Covid-19, bên cạnh việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-HĐND. Trong đó bổ sung thêm 10 nhóm đối tượng được hỗ trợ với mức kinh phí tối thiểu từ 1.000.000 đồng/người đến 3.000.000 đồng cơ sở.

Cụ thể nhóm đối tượng được hỗ trợ gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố Hà Nội được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận; Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ; Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐTB&XH nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại trung tâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người; Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng…Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người;

Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người;

Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và không thuộc đối tượng được quy định tại Chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Không để lao động ngoại tỉnh không có chỗ ở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO