Ngày 25/7, để khắc phục tình trạng hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tình trạng ùn tắc giao thông còn xảy ra, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 195: đặt mục tiêu tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị tăng từ 0,25-0,3%; hàng năm giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả; phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng năm 2023 đạt từ 21,5-23%.
Bên cạnh đó, hằng năm, thành phố xử lý từ 8 - 10 điểm đen giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.
Để thực hiện các mục tiêu trên, cùng với việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và quy định liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Hà Nội sẽ lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
Cùng đó, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý;... Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn thành phố; huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc giao thông.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc ùn tắc. Trước hết là do dân số Hà Nội hiện đã là trên 8,4 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố). Số lượng phương tiện giao thông đường bộ đến nay khoảng trên 7,9 triệu phương tiện các loại (có khoảng 1,1 triệu xe ôtô và 6,6 triệu xe máy; 200 nghìn xe máy điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng được khoảng 18,5%.