Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng dịch vụ đã bị tráo đổi mã QR Code để chiếm đoạt tiền…
Bỗng nhiên mất tiền
Nhờ tính tiện lợi và không tiếp xúc, QR Code đang dần trở thành phương thức thanh toán chính của nhiều người dân, các cơ sở kinh doanh. Từ các quán tạp hóa, cửa hàng dịch vụ đến nhà hàng, quán ăn đều dán mã QR Code thông tin tài khoản ngân hàng để tiện cho khách hàng thanh toán tiền.
Thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản như trước, người dùng chỉ cần quét mã QR Code là thông tin được tự động điền, việc chuyển tiền diễn ra nhanh chóng, thuận tiện. Việc liên kết giữa các đơn vị cũng giúp thanh toán QR trở nên đơn giản, khi ứng dụng của ngân hàng này có thể quét QR của bên khác.
Thế nhưng, sự tiện lợi này đang phải đối mặt với rủi ro lừa đảo vì trong thời gian gần đây, nhiều cửa hàng dịch vụ đã bị tráo đổi mã QR Code để chiếm đoạt tiền.
Tại nhiều cửa hàng, mã QR thường được in và đóng khung đặt trên quầy. Một số còn sao thành nhiều bản, dán tại các khu vực trong cửa hàng. Đây cũng là kẽ hở khiến kẻ gian lợi dụng, thực hiện hành vi dán đè, đánh tráo địa chỉ nhận tiền.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chị Trần Hải Yến, chủ quán Bún chả Hà Nội (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mới đây chị phát hiện ra cửa hàng bị thất thoát doanh thu do bị kẻ gian đánh tráo mã QR Code thanh toán.
“Mã QR được tôi dán ngay trước tấm kính của quầy bán hàng cho khách hàng dễ thanh toán. Bình thường tôi vẫn hay kiểm tra giao dịch đã thành công hay chưa mà không để ý có thông báo nhận tiền trên điện thoại. Cũng vì giờ bán hàng thường đông khách nên tôi cũng không cầm điện thoại”, chị Yến chia sẻ.
Tuy nhiên, đến buổi trưa ngày 21/8, sau khi một lượt khoảng chục khách hàng thanh toán qua chuyển khoản mà không nhận được tiền, chị Yến mới tá hoả phát hiện mã QR Code tại cửa hàng đã bị kẻ gian dán đè mã khác lên. Khi thực hiện quét mã thì ra tên của một chủ tài khoản khác.
Chị Yến bức xúc: “Khi kiểm tra camera giám sát tôi mới phát hiện ra kẻ gian lén lút dán đè mã QR Code vào đêm 20/8. Cũng may phát hiện ra sớm, số tiền thiệt hại chắc cũng chỉ vài triệu, cũng tại mình chủ quan. Sau đó tôi cùng gia đình đã dán lại hết mã QR Code vào từng bàn ăn của khách để đề phòng”.
Tình trạng này cũng được nhiều chủ cửa hàng bày tỏ bức xúc, phản ánh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, do dễ dàng phát hiện sớm, số tiền thiệt hại nhỏ nên họ sẵn sàng chịu thiệt mà không trình báo cơ quan chức năng.
Ngang nhiên trục lợi
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngày nay, khi công nghệ ngày càng phát triển kéo theo sự thay đổi về thói quen của người tiêu dùng. Vì tính tiện dụng và thói quen tiêu dùng không dùng tiền mặt mà người dân chuyển sang hình thức thanh toán bằng tài khoản ngân hàng. Vì vậy, tại các cửa hàng, quán ăn hầu như đều đã cập nhật hình thức thanh toán này, thay vì phải nhập tên ngân hàng và số tài khoản thì chủ cửa hàng sẽ tạo mã QR dán lên biển hiệu để thuận tiện trong việc giao dịch với khách hàng.
Tuy nhiên, lợi dụng thực trạng này, một số đối tượng lừa đảo đã có hành vi lén lút dán đè mã QR mang thông tin tài khoản của họ lên tài khoản của chủ cửa hàng nhằm mục đích trục lợi.
Luật sư Hùng phân tích, thông thường, đối với các cửa hàng đông khách hoặc trong một số trường hợp đặc biệt sẽ không kiểm tra được toàn bộ giao dịch nên việc khách hàng quét mã thanh toán thông tin tài khoản của người khác là điều khó kiểm soát hoặc tên đối tượng lại trùng với tên chủ cửa hàng thì việc phát hiện sẽ không hề dễ dàng. Cho đến khi bị mất một số tiền nhất định, chủ cửa hàng mới tá hỏa kiểm tra thì số tiền thanh toán đó đã bị đối tượng xấu tẩu tán đi nơi khác.
"Nếu đánh giá trên khía cạnh pháp luật, đây là một trong những hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đã lợi dụng sự sơ hở, không đề phòng của nạn nhân để thực hiện hành vi gian dối. Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến mức phạt tù cao nhất lên đến chung thân. Ngoài ra, nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP", Luật sư cho biết.
Vì vậy, Luật sư Hùng khuyến cáo, để hạn chế được tình trạng chuyển tiền nhầm khi quét mã QR thì đối với chủ cửa hàng cần phải dán thông tin mã thanh toán bên trong cửa hàng, không dán ở cửa bên ngoài tránh sự tiếp xúc dễ dàng của các đối tượng xấu; khi khách hàng thanh toán cũng cần chú ý xem thông tin chuyển khoản có đúng số tài khoản, tên ngân hàng, tên người thụ hưởng của mình hay không.
Người tiêu dùng cũng cần thận trọng trong việc thanh toán, cần xác minh lại với chủ cửa hàng về thông tin tài khoản đã chính xác chưa, không chuyển tiền khi chưa biết rõ thông tin người thụ hưởng, không cung cấp mã xác thực cho bất kì ai. Nếu phát hiện kẻ gian hoặc dấu hiệu gian dối, người dân nên trình báo sự việc ngay đến cơ quan chức năng để kịp thời vào cuộc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.