Một tin vui đến với người Hà Nội. Đó là một trong những tuyến đường tắc nhất quận Thanh Xuân sắp được mở rộng. Hiện tuyến đường này chỉ rộng khoảng 7m, chỉ có 2 làn xe khiến các phương tiện di chuyển gặp nhiều khó khăn.
Thông tin tại kỳ họp 12 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND quận Thanh Xuân (ngày 8/4) cho biết dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) có tổng diện tích 14.334m2, dài 720m, được mở rộng trên cơ sở đường hiện có. Điểm đầu dự án giao đường Nguyễn Trãi, điểm cuối đến ngõ 162 Nguyễn Tuân, tuyến đường này sẽ có mặt cắt ngang là 21m, gồm phần lòng đường rộng 15m và 2 bên lề rộng 3m. Tuyến đường hiện có hình dạng thắt nút cổ chai khiến mặt đường nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Sau khi hoàn thiện, dự án được kỳ vọng giảm tải ùn tắc giao thông, đem lại cảnh quan đô thị cũng như tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Trong khi đó, theo kế hoạch của UBND thành phố, Hà Nội sẽ tập trung giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông trong năm 2024. Thông tin từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, trong năm 2023, trên địa bàn thành phố có tới 37 điểm ùn tắc giao thông (gồm 10 điểm phát sinh mới và 27 điểm tồn tại năm 2022). Đáng chú ý, trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn 7 điểm đen tai nạn giao thông và 1 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Cuối tháng 11/2023, Ban An toàn giao thông TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 185 về việc rà soát các vị trí có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn đặc biệt vào giờ cao điểm để bố trí lực lượng phối hợp hướng dẫn, phân luồng bảo đảm giao thông; Phòng ngừa ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố gửi các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Công an TP Hà Nội đã thống nhất 204/326 vị trí do Thanh tra Sở đề xuất và bổ sung thêm 30 vị trí. Tổng số vị trí đã thống nhất là 234 vị trí.
Đó là những cố gắng mới phối hợp giữa Sở GTVT và Công an thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 4/2024, thực tế cho thấy tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Trước đó, ngày 16/11/2023, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội”. Thông tin tại đây cho biết, mạng lưới giao thông đường bộ Hà Nội hiện đang khai thác có tổng chiều dài là hơn 23,4 nghìn km bao gồm 5 tuyến cao tốc và vành đai, 11 tuyến đường quốc lộ, 128 tuyến đường tỉnh, 1.220 tuyến đường đô thị... Tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy mỗi năm.
Một trong những nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông nội đô Hà Nội không giải quyết được là do vỉa hè (kể cả lòng đường) bị lấn chiếm trái phép. Không biết bao nhiêu lần Hà Nội đã ra quân “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” nhưng đâu vẫn còn đấy. Vỉa hè vẫn tràn lan hàng quán, càng ở gần ngã tư vỉa hè lại càng nhiều hàng quán. Người, xe chen chúc trên vỉa hè, rồi tràn xuống lòng đường, khiến các phương tiện ùn lại, “vón cục”.
Tới nay, việc xe ô tô cá nhân đỗ chiếm lòng đường đã thành phổ biến, khiến lòng đường đã hẹp lại càng hẹp thêm. Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, diện tích đất của thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Còn lại 90% nhu cầu đang đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng và đương nhiên là tại ngay lòng đường.
Cùng đó, nạn xe trung chuyển đón khách ồn ào trong thành phố đã gây bất tiện cho người tham gia giao thông.
Trong số hàng chục điểm ùn tắc giao thông hiện nay ở Hà Nội, rất dễ để điểm danh một số tuyến phố “vô địch” về kẹt xe, ùn tắc đến độ kinh hoàng trong khung giờ cao điểm cả sáng lẫn chiều. Đầu tiên phải kể đến tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy, là con đường chính đi qua rất nhiều trường đại học tập trung số lượng lớn học sinh - sinh viên. Đồng thời người lao động từ các quận, huyện ven đô di chuyển hàng ngày vào ra trung tâm làm việc. Từ 7 giờ - 9 giờ sáng và 6 giờ 30 - 7 giờ 30 tối tuyến đường này như kẹt cứng.
Tiếp đó là tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, khi mà người dân gọi là tuyến phố “độc quyền” của ô tô. Vào giờ cao điểm, ô tô dàn hàng ngang trên đường khiến các phương tiện khác rất khó di chuyển. Xe máy - xe đạp phải luồn lách, đi lên cả vỉa hè của người đi bộ. Tương tự, đường Nguyễn Trãi từ cầu vượt Ngã Tư Sở đến khu vực Trần Phú (quận Hà Đông), các phương tiện luôn gặp khó khăn bất kể thời gian nào trong ngày. Việc người tham gia giao thông phải đứng yên “chịu trận” đã được coi là chuyện bình thường...
Khi mà chuyện không bình thường trở thành bình thường, thì đó chính là việc rất đáng lo.