Mấy hôm nay, đi trong thành phố, bắt đầu thấy tháng tư đã về, không phải bắt đầu bằng ngày “Cá tháng Tư” (1/4) - ngày nói dối, cũng không chỉ bởi cái nắng đã oi nồng báo hiệu một mùa hè rực lửa.
Tháng tư bắt đầu bằng những chiếc lá bay mỗi khi cơn gió thoảng.
Đi trong phố một sáng thật sớm của những ngày đầu tháng tư, tôi chợt nhớ tới những câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “…Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
Ông viết câu thơ đẹp lạ lùng này vào một buổi “sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”. Đó chắc chắn là một sớm thu Hà Nội - mùa của “con nai vàng ngơ ngác/ đạp trên lá vàng khô”.
Trong thơ ca, nhạc họa mùa cây thay lá thường mặc định vào mùa thu. “Mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”. Và người ta cũng thường nói tới sắc thu vàng trong hội họa…
Quả thật, mùa thu cũng có nhiều loài cây thay lá.
Nhưng nếu những ai sống ở Hà Nội, thì lại ấn tượng với những loài cây trút lá vào mỗi độ xuân qua. Trong cái tiết cuối xuân - đầu hạ này, đi trên đường trên phố Hà Nội, những phố cũ cũng như phố mới, thật dễ để bắt gặp những loài cây thay lá. Nhiều nhất là những cây lộc vừng.
Ven Hồ Gươm, những cây lộc vừng cũng rủ nhau trút lá. Và lác đác trên những con phố, rồi quanh tháp nước Hàng Đậu, những cây lộc vừng cũng rực rỡ một màu vàng.
Còn loài cây nào trút lá vào mùa xuân? Còn, đó là một vài cây bằng lăng cố gắng “giữ mình” qua một mùa đông rét mướt, đợi đến cuối xuân rụng những chiếc lá vàng cuối cùng để chờ mùa hè bật chồi xanh và hoa tím biếc… Rồi những tàng sấu trên đường Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng… cũng lác đác rủ nhau rụng lá. Sấu thay lá quanh năm, nhưng rộ nhất vào tiết giao mùa. Ấy là khoảng tháng 4 hằng năm, những hàng sấu đồng loạt rụng lá, tạo nên một thảm lá vàng bắt mắt trên nhiều tuyến đường…
Tháng tư đã về…
Hoa loa kèn trắng muốt trên những chuyến xe hoa…
Các vỉa hè Hà Nội ươm một màu vàng của lá xà cừ và sấu.
Mấy hôm vừa rồi có một đợt gió mùa ùa về Hà Nội. Được thể, những đợt lá sấu vàng ươm hay còn thẫm xanh lại vương đầy khắp phố, níu gót chân người.
Không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng, những thời khắc lá rụng như thế này là lúc Hà Nội lãng mạn nhất, nhưng cũng là lúc Hà Nội chìm trong một nỗi buồn-dịu-dàng nhất. Bạn hãy về Hà Nội và bước ra phố, ngồi bên quán cóc vỉa hè uống trà, uống cà phê mà chiêm ngưỡng mùa lá bay trên phố...
Hoặc có nhiều thời gian hơn, bạn hãy rong xe chầm chậm trên phố Hoàng Diệu vào bất cứ thời khắc nào đều có thể cảm thấy nét đáng yêu da diết của những cây đa, hay hàng xà cừ cổ thù với gốc vạm vỡ xù xì vươn cao tỏa vào những tòa biệt thự cũ mà sóng sánh những đợt cây thay lá chuyển mùa.
Hay thả bộ trên con phố không quá rộng cũng chẳng đủ dài mang tên Lý Nam Đế. Mùa xà cừ thay lá, phố giống như người đàn bà đẹp luống tuổi: lại trở nên quyến rũ trong nét hoài cổ hơi u buồn. Cả con phố dài nhưng những cây xà cứ ấn tượng nhất là ở đoạn cuối, giáp với Trần Phú. Mùa xà cừ thay lá, những phiến lá xôn xao cứ neo mình trên mặt đường suốt một ngày nhẹ nhõm thênh thang…
Ở Hà Nội gần đây người ta ít trồng thêm những hàng xà cừ mới vì nhiều lý do, nhưng những hàng xà cừ cổ thụ thì ta có thể dễ dàng bắt gặp trên nhiều tuyến phố.
Vào những mùa khác, xà cừ ẩn mình tỏa bóng xanh che cho người và sống cuộc đời thầm lặng. Nhưng ở thời khắc giao mùa xuân - hạ, xà cừ chợt khiến người đi đường lưu tâm vì những chiếc lá vàng óng ả của mình. Lá bay, bay bay theo cùng những đợt gió mơn man. Lá bay, bay bay níu vào tóc vào xe của người đi trên phố. Sáng sớm ra phố, cả một màu vàng ươm mát mắt.
Lãng mạn dành riêng cho những người yêu thiên nhiên và có ý thức tìm cho tâm hồn mình chút lắng đọng giữa cuộc sống phố thị ồn ào nhưng mùa này, cũng khiến những người công nhân môi trường tất bật hơn để thu dọn cho sạch đường, sạch phố…