Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp giao ban giữa Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu thăm quan mô hình quy hoạch siêu đô thị Nhật Tân-Nội Bài.
Cuộc họp do bà Ngô Thị Thanh Hằng, UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông Nguyễn Đức Chung, UVTW Đảng, Chủ tịch UBND TP; ông Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng chủ trì sáng 24/6.
Đã cấp giấy chứng nhận cho gần 1,5 triệu thửa đất
Theo báo cáo tính đến cuối tháng 6/2016, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận cho 1.458.150 thửa đất, căn hộ. Trong đó, 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và kê khai đăng ký đã được cấp Giấy chứng nhận, đạt 89,9% thửa đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư; đạt 89% căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở; đạt 57% thửa đất do các tổ chức sử dụng; 358 thửa đất do các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng; cấp được 54.000 Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến, tham luận tại Hội nghị tập trung phản ánh, đóng góp và đề xuất những vấn đề còn khó khăn, tồn đọng hiện là rào cản trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở hiện nay. Đó là tình trạng hơn 144.000 thửa đất còn tồn đọng, vướng mắc, trong đó gần 16.000 trường hợp lấn, chiếm đất, hàng chục nghìn trường hợp cấp trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm quy hoạch hiện nay.
Các ý kiến đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp cần tập trung, quyết liệt trong thực hiện, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này. Hiện Hà Nội đã có thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký biến động đất đai giảm 1/3 so với trước đây, thời gian giải quyết hồ sơ chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất trước đây là 21 đến 30 ngày thì nay chỉ còn 10 đến 15 ngày. Từ 8 loại giấy tờ, nay chỉ cần 4 loại.
Tuy nhiên, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn cần đẩy mạnh theo hướng công khai, minh bạch, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm hơn nữa, giải quyết dứt điểm việc cấp đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, cải thiện kết quả hiện còn 146.189 thửa đất của hộ gia đình, cá nhân, 8.345 thửa đất các tổ chức đang sử dụng đất chưa kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận, 144.011 thửa đất, 56.970 căn hộ đang gặp khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa tiến độ rất chậm so với yêu cầu, đạt khoảng 7%.
Hội nghị thống nhất mục tiêu đề ra của lãnh đạo Thành phố đến tháng 6/2017, hoàn thành việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận hoặc lập hồ sơ quản lý đối với các thửa đất còn tồn đọng; cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức sử dụng đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp Giấy. Trong năm 2016, hoàn thành việc cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đối với diện tích đất nông nghiệp đã thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa.
6 tháng nhiều trường hợp vi phạm trật tự văn minh đô thị
Về nội dung bảo đảm trật tự và văn minh đô thị thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 26/5/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy, Hội nghị nhất trí 6 tháng đầu năm tiếp nối kết quả chủ đề “Năm trật tự và văn minh đô thị” của thời gian trước, công tác này cũng đã có những chuyển biến tích cực, thay đổi bước đầu về ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành cũng như của người dân.
Thành phố hoàn thành công tác thanh thải các đường dây, cáp đi nổi trên 74 tuyến phố; tổ chức các đoàn kiểm tra tại 9 quận, huyện; kiểm tra gần 11.000 công trình, phát hiện, xử lý 946 trường hợp vi phạm. Cấp huyện và cấp xã đã kiểm tra, xử lý 1.583 trường hợp; đã giải quyết được 10 điểm, tuyến đường ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, quét hút rửa đường, nhặt rác bằng xe cơ giới. Trồng mới cây xanh trên các tuyến phố, vườn hoa, công viên đảm bảo quy trình và yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật. Duy trì tốt hệ thống chiếu sáng, thí điểm hệ thống chiếu sáng bằng đèn led. Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị (hoàn thành và cơ bản hoàn thành đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, nút giao thông Long Biên…), đẩy nhanh dự án cải tạo thoát nước chống ngập úng cục bộ trên địa bàn Thành phố...
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, hiện tượng còn gây búc xúc trong dư luận, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí của Thủ đô.
Điều hành phần thảo luận, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung đã tóm lược gần 20 vấn đề chính của TP liên quan đến nội dung Hội nghị. Chủ tịch UBND TP. cho biết sẽ thống nhất tổ chức thực hiện với tinh thần quyết liệt, sâu sát với những chỉ đạo cụ thể, các định hướng quan trọng đối với các ý kiến, kiến nghị của các Sở, ngành, quận, huyện. Tinh thần là thực hiện triệt để việc tinh giảm, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết vướng mắc cho từng trường hợp, loại vụ việc cụ thể; đổi mới lề lối làm việc, nâng cao năng lực, trách nhiệm của công chức, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống hồ sơ, cơ sở dữ liệu tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đối với từng nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cán bộ, mỗi cấp, mỗi ngành.
Kiêm quyết không để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại
Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, những nội dung thảo luận trong Hội nghị đều là những vấn đề quan trọng, tác động đến quyền và lợi ích, cũng như trách nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, liên quan đến sự phát triển bền vững, uy tín, hình ảnh của Thủ đô, luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của xã hội. Để triển khai có hiệu quả hơn các nhiệm vụ, lĩnh vực quan trọng này trong thời gian tới Phó Bí thư thường trực Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực:
Về công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô, đây là nhiệm vụ có vị trí vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội với mục tiêu Thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững. Vì thế, Phó bí thư thường trực đề nghị lãnh đạo các cấp, ngành trong thành phố phải nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Thành ủy, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, tự nguyện, tự giác của người dân, tạo chuyển biến rõ nét về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội. Đồng thời, phải có kế hoạch và có giải pháp thực thi, kiểm tra để thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn.
Về tổng thể, phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện, hoàn chỉnh quy hoạch, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị. Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho cơ sở; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; kiên quyết không để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, nhất là ở các tuyến phố mới; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương)… Nghiên cứu bổ sung chế tài và xử lý nghiêm việc vứt rác, xả rác trên đường phố, nơi công cộng, việc tập kết vật liệu, đổ phế liệu, phế thải không đúng quy định; các điểm trông xe thu phí không đúng quy định,...
Về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở, các cấp, các ngành phải xác định đây là thủ tục hành chính quan trọng, làm cơ sở để thống nhất quản lý đất đai, nhà ở và tài sản gắn với đất ở theo pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế và là căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp về đất đai, nhà ở. Vì vậy, cần tập trung tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân về các chính sách, pháp luật của nhà nước về đất đai, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Chính quyền các cấp rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết gắn với chỉ tiêu số Giấy chứng nhận phải hoàn thành theo từng tháng, giao cụ thể cho từng địa bàn, từng đơn vị.
"Kết quả công tác cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn sẽ là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền", Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ.