Làng Tràng Cát có nghề truyền thống trồng lá dong hàng trăm năm tuổi, là một trong những vựa lá dong lớn tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, cung cấp cho thị trường Hà Nội vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, những ngày cận Tết Nguyên đán khi đến làng Tràng Cát, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân thu hoạch lá dong. Thậm chí, do lượng đơn hàng lớn nhiều gia đình phải huy động từ người già, trẻ nhỏ thu hoạch lá dong để phục vụ người dân cả nước. Chị Nguyễn Thị Khuyên (người dân làng Tràng Cát, Kim An) cho hay, gia đình chị có khoảng 4 sào lá dong, nhưng do không đủ cung cấp cho thương lái lên chị phải đi mua thêm của người dân. Do đó, ngay từ đầu tháng Chạp ngày nào chị cũng phải thu hoạch lá dong để chuyển đến cho các cơ sở làm bánh chưng. "Lá dong ở làng Tràng Cát có bản to, lá dày, đẹp. Đặc biệt người dân nơi đây chỉ trồng và thu hoạch lá dong nếp khi nấu bánh sẽ xanh và ngon hơn. Còn nếu dùng lá dong tẻ bánh chưng khi nấu chín sẽ bị thâm không đẹp mắt", chị Khuyên cho hay. Theo chị Khuyên, mỗi ngày chị thường đưa ra thị trường khoảng hơn 10.000 tàu. Giá cả sẽ phụ thuộc vào chất lượng lá có tốt hay không từ 80.000-120.000 đồng/100 tàu (giá tại vườn). Dự kiến cận Tết, giá có thể tăng thêm. Do nhu cầu lớn, nhiều gia đình phải huy động hết người dân đi cắt lá dong. Lá dong được sắp xếp gọn gàng và bó lại để tránh bị rách. Lá dong được phân loại theo kích thước để thương lái đến thu mua. Người dân bảo quản lá dong bằng cách dấp nước, bó lại và dựng đứng ở nơi có độ ẩm cao để lá tươi lâu hơn. Lá dong thường được sắp 50 tàu/bó để thương lái tiện thu mua.