Theo phản ánh của người dân thôn Ba Dư (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), trên địa bàn đang xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông... do ảnh hưởng từ các cơ sở tái chế nhựa.
Theo phản ánh của người dân thôn Ba Dư, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông do các hộ dân làm nghề tái chế nhựa ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây hơn 10 năm qua.
Đến đây, xung quanh những ngôi nhà cao tầng hiện đại là những đống phế liệu, phế thải chất cao như núi nằm ngổn ngang dọc hai bên các con đường làng. Thêm vào đó là cảnh các loại xe tự chế chất cao vun vút ra vào nườm nượp, thỉnh thoảng gây ách tắc giao thông.
Bà N.T.T. (xin giấu tên) người dân trú tại thôn Ba Dư cho hay, việc các hộ kinh doanh tái chế nhựa ngang nhiên bày bừa ra lòng đường, chất cao dọc hai bên đường làng gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân nơi đây. Đặc biệt, những chiếc xe chở cồng kềnh, cao vun vút đi vào con đường làng cũng khiến người dân lo sợ, gây mất an toàn giao thông.
"Người dân thôn Ba Dư chúng tôi thường xuyên phản ánh lên lãnh đạo xã. Tuy nhiên, suốt bao nhiêu năm nay các hộ kinh doanh tái chế nhựa vẫn ngang nhiên bày tràn lan ra đường mà chẳng thấy xử lý được. Đặc biệt, nhiều hôm các hộ tái chế nhựa còn đốt các phế liệu không thể tái chế, khói đen mù mịt, nồng nặc mùi khét", bà N.T.T. cho hay.
Theo bà N.T.T., cả thôn Ba Dư hiện đang có 3 máy xay nhựa hoạt động xả thải ra môi trường khiến người dân sống xung quanh khu vực rất sợ. Hiện người dân vẫn sử dụng giếng khoan, nước thải nhựa sẽ ngấm xuống đất gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo một người dân thôn Ngô Đồng ngay sát thôn Ba Dư cho hay, việc đốt phế liệu được các hộ dân kinh doanh tái chế nhựa thường đốt vào buổi tối. Mỗi lần đốt thì các hộ dân nơi đây đều phải đóng kín cửa để tránh ngửi thấy mùi khét, ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Việc tập kết phế liệu ở đường xã cũng cấm, lực lượng chức năng cũng thường xuyên xử lý, tuy nhiên sau khi vắng lực lượng chức năng họ lại tiếp tục bày ra", người dân thôn Ngô Đồng cho hay.
Để làm rõ việc phản ánh của người dân, PV Báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ với ông Nguyễn Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã Hồng Dương. Theo ông Hùng, hiện nay trên địa bàn thôn Ba Dư đang có các hộ dân thu gom các loại nhựa, phế liệu đưa từ trong nội thành Hà Nội về để tái chế.
Trả lời câu hỏi của PV về việc các hộ dân ngang nhiên bày tràn lan phế liệu ra đường gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân, ông Hùng cho hay: "Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền xử lý vi phạm. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý cũng chưa được triệt để. Hiện nay, xã đang đề nghị xây dựng một cụm công nghiệp để đưa các hộ dân làm nghề tái chế nhựa vào cùng một khu để tránh ảnh hưởng đến người dân xung quanh".
Đề cập đến việc các hộ tái chế đốt phế liệu gây mùi khét, ông Hùng khẳng định, tình trạng đốt phế liệu là ở khu Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) chứ không phải ở thôn Ba Dư.
"Đối với các trường hợp xay nhựa, chúng tôi cũng đã yêu cầu ký cam kết đảm bảo nguồn nước khi chảy ra môi trường. Về công tác xả thải ra môi trường xã cũng thường xuyên kiểm tra nhưng đối với năng lực cấp xã chúng tôi cũng không thể đánh giá được", ông Hùng cho hay.
Một số hình ảnh PV Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận tại thôn Ba Dư, xã Hồng Dương: