Những công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không những gây mất mỹ quan còn ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, nguy cơ gây ra thiệt hại lớn khi xảy ra cháy nổ.
Hoả hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng tại công trình vi phạm trật tự xây dựng
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung cũng như Hà Nội nói riêng xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người lẫn tài sản. Điều đáng nói, những vụ cháy này có liên quan đến công trình nhà nhiều căn hộ, nhà trọ cho thuê (hay còn gọi là chung cư mini) vi phạm trật tự xây dựng, không đảm bảo phòng cháy.
Vụ cháy xảy ra vào đêm 12/9 rạng sáng 13/9/2023 tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đã để lai hậu quả nghiêm trọng. Vụ cháy đã khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương.
Công trình bị cháy có diện tích trên 200m2, nằm sâu trong ngõ nhỏ cách điểm phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận được hàng trăm mét khiến cho việc tiếp cận hiện trường của lực lượng chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Mặc dù được cấp phép xây 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật, với mật độ xây dựng 70%, tuy nhiên, chủ đầu tư công trình đã xây dựng 100% diện tích đất, với 10 tầng, chia thành 45 căn hộ với khoảng 150 người dân sinh sống.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như ngay từ đầu, chủ công trình tuân thủ đúng quy định, xây đúng theo giấy phép, với số tầng phù hợp, có thang thoát hiểm, sau khi đưa vào vận hành thực hiện bảo trì bảo dưỡng thường xuyên, trang bị đúng và đầy đủ các biện pháp phòng cháy chữa cháy. Và nếu như cơ quan chức năng làm việc đúng chức trách, sau khi phát hiện ra sai phạm, xử lý một cách triệt để. Nếu như công tác quản lý trật tự xây dựng được tiến hành một cách thường xuyên và chặt chẽ, thì hậu quả cũng sẽ được kiểm soát và không đến mức thiệt hại nghiêm trọng như vậy.
Kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy
Ngay trong ngày 13/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 796/CĐ-TTg về vụ cháy nhà dân tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, UBND Thành phố Hà Nội đã có Công điện số 02/CĐ-UBND gửi Giám đốc các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini). Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý, đặc biệt là chung cư mini; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC theo quy định của pháp luật.
Liên quan vụ cháy làm 56 người chết tại phố Khương Hạ, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nghiêm Quang Minh (45 tuổi, chủ chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy).
Ngày 31/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố tiếp tục khởi tố 6 cán bộ nguyên là cựu thanh tra xây dựng, cán bộ và công an phường Khương Đình. Cơ quan điều tra xác định các cựu cán bộ này đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) xảy ra đêm 12/9, rạng sáng 13/9/2023.
Nguy cơ cháy nổ từ những công trình vi phạm trật tự xây dựng
Có thể thấy, việc quản lý trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy đã được chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, điều khó hiểu, hiện nay tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng (xây vượt tầng, vi phạm mật độ).
Theo nội dung bài viết "Hà Nội: Nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng tại phường Mỹ Đình 2" đăng trên Báo Đại Đoàn Kết ngày 31/10/2024, trên địa bàn phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng (xây vượt tầng, vi phạm mật độ). Trong đó, nhiều công trình tại các ngõ hẻm rộng chưa đến 3m nhưng có quy mô 7, 8 tầng vừa mới hoàn thiện đưa vào sử dụng hoặc đang trong quá trình xây dựng.
Qua tìm hiểu, đây đều là các công trình nhà ở có nhiều căn hộ đang kinh doanh cho thuê trọ, hoặc đang xây dựng hoàn thiện mục đích cho thuê trọ. Với mật độ người ở cao, nhưng nhiều công trình nằm sâu trong các ngõ nhỏ cách xa vị trí xe chữa cháy có thể tiếp cận. Nếu không được xử lý triệt để, nguy cơ một vụ hoả hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản rất có thể xảy ra.
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, việc xây vượt tầng, cơi nới diện tích sử dụng làm tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất ngoài làm cho diện mạo đô thị xấu đi còn ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, từ đó nguy cơ gây ra thiệt hại lớn khi xảy ra cháy nổ.
"Hiện nay tình trạng vi phạm trật tự xảy ra khá phổ biến, cần xử lý dứt điểm tình trạng này để tránh rủi ro có thể xảy ra. Có thể lấy ví dụ, vụ cháy chung cư mini tại nhà số 37 ngách 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) tháng 9/2023, nếu ban đầu chính quyền các cấp xử lý vi phạm trật tự xây dựng triệt để thì con số thiệt hại về người và tải sản đã không nghiêm trọng như vậy", Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nói.
Theo Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong những năm gần đây, việc khởi công xây dựng nhà cửa, các công trình xây dựng trái phép diễn ra rất phổ biến. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý trật tự xây dựng tại các địa phương của các cơ quan chức năng.
Ủy ban nhân dân các cấp là một trong những cơ quan nhà nước có trách nhiệm quan trọng trong việc quản lý xây dựng trên địa bàn mình quản lý, trong đó trực tiếp là UBND cấp phường/xã và Đội Quản lý trật tự xây dựng.
Cụ thể, tại khoản 5 Điều 56 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định trong việc quản lý rật tự xây dựng Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện, cấp phường/xã sẽ: Chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của đội quản lý trật tự xây dựng đô thị là xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật và theo quy định của UBND TP Hà Nội.
Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm.
“Một công trình từ lúc khởi công đến lúc hoàn thiện không phải ngày một ngày 2, do đó nếu có sai phạm không thể không phát hiện được. Vậy nên, để tồn tại tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thể hiện UBND phường/xã và Đội Quản lý TTXD thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Người chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan cấp trên là Chủ tịch UBND cấp xã/phường”, Luật sư Hoàng Tùng nói thêm.