Ngày 25/4, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tham dự phiên giải trình.
Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố và các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh với HĐND thành phố, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới. Trên địa bàn thành phố, các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo. Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân.
Đáng chú ý, tổng hợp của Thường trực HĐND TP Hà Nội cũng cho thấy, hiện nay toàn thành phố mới có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 24%. Trong đó, có 2.283 nhà văn hóa thôn, đạt 97%; 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (mới đạt tỷ lệ 65,5%). Đáng lưu ý, 5/18 huyện, thị xã và 4/12 quận chưa có một trung tâm văn hóa xã, phường nào. Như vậy, 9/30 quận, huyện của thành phố “trắng” trung tâm văn hóa cấp xã.
Trả lời các đại biểu về việc, dự án Công viên Đống Đa có từ năm 1998 nhưng hơn 20 năm vẫn dậm chân tại chỗ? Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, dự án Công viên văn hóa Đống Đa có từ năm 1998, có quyết định thu hồi đất tại 3 phường, trong quá trình giải phóng mặt bằng, đã giải phóng được 132 hộ với diện tích trên 9.000m2 và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi đất lấn chiếm. Sau khi giải phóng mặt bằng, quận đã sử dụng một một phần đất xây trạm điện, sân bóng, trường học.
Theo ông Định, năm 2007 thành phố có văn bản giao Công ty BRG đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng Công viên văn hóa Đống Đa, tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa thực hiện. Khó khăn, vướng mắc chính là về giải phóng mặt bằng; chế độ, chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thỏa đáng. Năm 2019, UBND quận đã có 2 văn bản báo cáo Sở Quy hoạch và Kiến trúc để báo cáo UBND thành phố về rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Đến năm 2021 thành phố đã có văn bản giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các quận liên quan rà soát, báo cáo về dự án.
Trả lời thêm, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Với quỹ đất 8,5ha của giai đoạn 1 của Công viên văn hóa Đống Đa, song việc giải phóng mặt bằng mới triển khai được 1,9ha, đây là vướng mắc lớn giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai vừa qua.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ Tây Hồ), mặc dù trong những năm qua, HĐND thành phố có những cơ chế đặc thù, các quận cũng hỗ trợ các huyện khó khăn để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, đến nay nhiều mục tiêu xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa hoàn thành như: nhà văn hóa thôn, làng mới đạt 97% so với yêu cầu 100% vào năm 2020; 5 đơn vị chưa có nhà văn hóa cấp huyện. Trong khi đó, thành phố còn 50,5% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn, nhiều nhà văn hóa xuống cấp không chỉ ở các huyện khó khăn, mà còn ở các quận.
Tiếp thu và giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian tới thành phố sẽ quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao. Đồng thời dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa, xây dựng các chính sách đặc thù xung quanh con người, cũng như bố trí ngân sách trong kế hoạch hàng năm để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa.
Giải trình về nhà sinh hoạt cộng đồng tại nhà chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, toàn thành phố có 187 nhà chung cư tái định cư. Thời gian qua, Sở và các quận, huyện rà soát, có 81 nhà có thiết kế nhà sinh hoạt cộng đồng, 94 tòa nhà không có diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng. Sở và các đơn vị quản lý nhà đã rà soát bố trí, chuyển đổi công năng kinh doanh dịch vụ sang sử dụng vào mục đích sinh hoạt cộng đồng với 73 tòa nhà đã hoàn thành, 8 tòa nhà đang được rà soát và thực hiện chuyển đổi, chậm nhất trong quý IV-2022 để báo cáo UBND thành phố.
Ông Phong cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ tham mưu UBND thành phố xử lý. Theo đó, với tòa nhà chưa có Ban quản trị, sẽ đề nghị các quận khẩn trương tổ chức hội nghị, tăng cường kiểm tra, xử lý diện tích sử dụng không đúng quy định. Đối với 8 tòa nhà chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ trình thành phố cho phép chuyển đổi công năng, còn 19 tòa nhà chuyển đổi công năng sẽ được khẩn trương sửa chữa, bàn giao địa phương khai thác, hoàn thành trong tháng 1/2023. Riêng 13 tòa nhà không có diện tích chuyển đổi công năng, đề nghị các quận rà soát bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa phường gần nhất.
Giải trình thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 thành phố đã tăng thêm 60 nhà văn hóa cấp xã, 508 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Hiện còn thiếu 40 nhà văn hóa, trong đó, 23 nhà văn hóa vướng mắc chưa có địa điểm triển khai, 17 nhà văn hóa chưa có thủ tục bố trí vốn để triển khai dự án. Tuy nhiên còn một số đơn vị thiếu thiết chế văn hóa. Công tác quản lý, sử dụng các thiết chế còn một số bất cập. Nguyên nhân theo ông Dũng là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thực sự quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức.