Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tổng lượng hành khách đi lại bằng xe buýt toàn thành phố 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 223,8 triệu lượt (năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách). Trong khi đó, trung bình mỗi ngày tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có hơn 10 nghìn người đi vé tháng, ngày thường có khoảng 32 - 34 nghìn lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 28 - 30 nghìn lượt khách. Mới đây, dịch vụ xe đạp điện ra mắt nhằm kết nối người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng góp phần giảm dần lệ thuộc vào xe cá nhân…
Thời gian gầy đây, dịch vụ vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội tăng mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần giải quyết một phần nhu cầu đi lại của người dân, giảm tai nạn, ùn tắc. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, sản lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, tăng 67,7% so với năm 2021. Trong khi đó, thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, tổng lượng hành khách đi lại bằng xe buýt toàn thành phố 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 223,8 triệu lượt.
Hà Nội hiện đang khai thác 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour. Tổng số xe buýt đang khai thác trên toàn mạng là 2.279 xe, trong đó có 277 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 138 xe buýt điện); có trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 70%; 33/37 khu đô thị đạt 89%.
Chị Lệ Chi (quận Cầu Giấy) cho biết: Trước đây tôi thường sử dụng ôtô để di chuyển vào khu trung tâm nhưng thực trạng ùn tắc luôn khiến công việc chậm trễ, lỡ hẹn thường xuyên. Gần đây, tôi lựa chọn xe buýt điện rất văn minh, lịch sự mà khá đúng giờ.
Có thể thấy, chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, khắc phục được tình trạng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến lượt, chạy sai biểu đồ vận hành đã. Bên cạnh đó đoàn phương tiện xe buýt tăng cường về số lượng, chất lượng. Các xe cũ bị loại bỏ hoàn toàn, thay thế và bổ sung bằng các phương tiện có chất lượng, trên 90% số phương tiện có tuổi dưới 10 năm. Công tác bảo dưỡng, vệ sinh xe duy trì thường xuyên, đảm bảo chất lượng và mỹ quan khi đưa ra hoạt động. Nhà chờ xe buýt cũ xuống cấp cũng được duy tu sửa chữa và bổ sung nhằm phục vụ hành khách tốt nhất. Đáng chú ý, văn hóa xe buýt đã dần hình thành.
Cùng với xe buýt, tàu điện cũng đang là phương tiện được ưa chuộng. Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội thông tin, trung bình mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có hơn 10 nghìn người đi vé tháng, ngày thường có khoảng 32 - 34 nghìn lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 28 - 30 nghìn lượt khách.
Có mặt trong chuyến tàu xuất phát từ ga Cát Linh lúc 7h sáng, chị Vân Hạnh (quận Đống Đa) chia sẻ: Từ ngày tuyến đường sắt đi vào vận hành tôi đăng ký luôn vé tháng vì trụ sở công ty ở Hà Đông, vậy là gần 2 năm qua tôi đã thoát cảnh tắc đường mỗi sáng. Ở công ty tôi, nhiều người cũng lựa chọn di chuyển bằng tàu điện. Đến ga cuối chúng tôi chỉ việc đi bộ khoảng 50m là tới nơi làm việc.
Song hành cùng xe buýt, tàu điện việc sử dụng xe đạp điện kết nối từ các nhà ga đường sắt trên cao đến các điểm vui chơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư đang được đề xuất để tạo sự thuận tiện cho người dân. Đây cũng chính là một trong những giải pháp giao thông xanh của Hà Nội. Mới đây, dịch vụ xe đạp điện - xe đạp công cộng đã chính thức ra mắt. Trong giai đoạn đầu, 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp điện sẽ được bố trí tại 79 trạm. Các trạm xe gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch. Giá thuê xe đạp trợ lực điện là 10.000 đồng cho 30 phút, xe đạp cơ là 5.000 đồng. Dịch vụ này cũng khá phù hợp với người dân di chuyển xe buýt từ ngoại thành vào nội đô, sau đó thuê xe đi lại trong trung tâm.
Tại trạm xe đạp trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội, ông Phạm Tiến Đông (phường Giang Biên,quận Long Biên) kể về hành trình của mình: Để đến Nhà hát Lớn và hồ Gươm tôi đi tuyến xe buýt số 08A (Long Biên - Đông Mỹ) có lộ trình từ Long Biên qua phố Lý Thái Tổ, rất gần Nhà hát Lớn, sau đó tôi thuê xe đạp điện để đi tham quan các điểm của Hà Nội, trải nghiệm này thật thú vị. “Dịch vụ xe đạp điện đạp công cộng rất tiện lợi khi được đặt ở các điểm xe buýt đi qua. Trước đây khi sang quận Hoàn Kiếm tôi thường đi xe máy, ngán ngẩm vì gặp cảnh ùn tắc, ngột ngạt. Giờ về hưu chọn đi xe buýt, rồi tới trạm xe đạp điện, giá thuê rất phù hợp. Ngoài ra, chiếc xe đạp di chuyển trong thành phố có thể gửi trả lại ở một trạm khác, như vậy rất tiện lợi cho người sử dụng”, ông Đông chia sẻ.