Trước khi phân làn đường Nguyễn Trãi, tính từ năm 2003 đến nay, Hà Nội đã có ít nhất 4 lần thất bại trong việc phân làn xe máy với ô tô tiêu tốn hàng chục tỷ đồng. Dù đã phân làn được gần 3 tháng nhưng tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn lộn xộn khiến nhiều người dân đặt câu hỏi liệu thí điểm lần này có thành công hay không?
“Mạnh ai lấy đi”
Việc thí điểm tổ chức lại giao thông trên đường Nguyễn Trãi được triển khai từ ngày 6/8). Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đã tách làn riêng cho ô tô, xe máy, dài khoảng 1,5 km.
Cung đường thí điểm kéo dài từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Khuất Duy Tiến được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750 m với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra. Theo phương án, 2 làn sát vỉa hè mỗi hướng đi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3 - 4 làn đường bên ngoài dành cho xe ô tô.
Việc điều chỉnh phân làn và phương tiện được thực hiện bằng dải phân cách cứng như mũi tên phản quang, trụ chống va xô (bằng lốp), hàng rào di động... kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.
Theo ghi nhân của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, sau gần 3 tháng thí điểm, tại các điểm đầu cuối dải phân cách có biển báo phân làn bắt buộc nhưng hầu như các phương tiện vẫn di chuyển theo kiểu “lấp vào chỗ trống”. Không chỉ vậy, nhiều ô tô, xe máy… ra vào giữa các làn đường không tuân theo biển báo, chưa kể nhiều ô tô ngang nhiên dừng đỗ bất chấp biển cấm vẫn phổ biến gây mất ATGT.
Anh Nguyễn Văn Trọng, trú tại Phú Lãm, Hà Đông cho biết: “Tôi thấy việc rào chắn, phân làn đường Nguyễn Trãi vẫn chưa hiệu quả, chưa có tính cưỡng chế để phân làn. Vì vậy, do thói quen của người dân đã hình thành trong nhiều năm qua nên việc các phương tiện chồng chéo lấn làn lẫn nhau là chuyện diễn ra từng giây từng phút ở tuyến đường này”.
Để giải quyết tình trạng trên, anh Trọng chia sẻ, để nêu cao tinh thần chấp hành Luật giao thông đường bộ, lực lượng chức năng cần tiến hành xử lý nghiêm vi phạm lâu dần sẽ hình thành một thói quen mới chấp hành luật giao thông hơn.
Anh Nguyễn Văn Duy trú tại Chương Mỹ, Hà Nội cho hay: “Tôi thường xuyên phải di chuyển qua tuyến đường Nguyễn Trãi để đi làm. Tôi thấy việc phân làn cứng để các phương tiện di chuyển ngăn nắp là rất cần thiết. Tuy nhiên, tại tuyến đường này cũng đã phân làn được vài tháng rồi nhưng rất nhiều phương tiễn vẫn ngang nhiên lấn làn của nhau không chỉ xe máy mà có rất nhiều ô tô. Vì vậy, lực lượng chức năng cũng cần phải mạnh tay để xử lý thì may ra tình trạng trên mới không tiếp diễn”.
Cần xử nghiêm, phạt nặng
Trước đó, ngày 22/9, UBND TP Hà Nội có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông vận tải thành phố về việc tiếp tục thí điểm phân làn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi đến hết năm 2022; giao lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông tuân thủ đúng quy định, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, dừng đỗ trái phép, cố tình đi không đúng làn đường quy định.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện TP có tới hơn 6,4 triệu xe máy, xe đạp điện, chiếm gần 85% lượng phương tiện cơ giới cá nhân, chưa kể hàng vạn xe máy đăng ký ngoại tỉnh đưa về hoạt động thường xuyên tại Thủ đô.
Chuyên gia giao thông TS Vũ Hoàng Chung cho biết, hành vi ngang nhiên đi sai làn trên tuyến đường Nguyễn Trãi… của hàng nghìn chiếc xe máy đã góp phần rất lớn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại tuyến đường này. Thậm chí, nhiều xe máy, ô tô ngay nhiên vi phạm trước mắt CSGT đã trở thành tập quán ngày càng lan rộng, cho thấy sự coi thường pháp luật của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông.
“Trên thực tế, có quá nhiều xe vi phạm đi sai làn trên tuyến đường Nguyễn Trãi vì vậy việc xử lý của lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nếu xử phạt nguội thì gần như không thể thực hiện được đối với người điều khiển xe máy. Vì số lượng xe máy quá lớn, nhiều xe chưa chắc đã chính chủ… trong khi lỗi vi phạm thường xuyên diễn ra nên việc xử phạt sẽ không đem lại hiệu quả.
Đối với những người đi xe máy ngược chiều, sai làn hiện chỉ có thể tạm giữ phương tiện nếu không có bằng lái và giấy tờ hợp lệ. Không ít người bị xử lý sẵn sàng bỏ luôn bằng lái, đăng ký để khỏi phải nộp phạt, khiến lực lượng chức năng vô cùng bối rối”, TS Vũ Hoàng Chung phân tích.
Nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, những hành vi coi thường luật giao thông của họ hiện đã gây nên những tác hại rất lớn, khiến tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông ngày càng trầm trọng, phức tạp. Đáng lo hơn là hành vi coi thường luật pháp khi tham gia giao thông của người đi xe máy đang lây lan diện rộng, trở thành tập quán xấu, kìm hãm văn hoá giao thông.