Hà Nội sẽ cấm xe máy từ năm 2030

Nguyên Khánh 25/08/2017 22:52

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5953/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”. Theo đó, đến năm 2030 sẽ cấm xe máy tại các quận nội thành.

Hà Nội sẽ cấm xe máy từ năm 2030.

Đến năm 2030 phương tiện công cộng đáp ứng 55%

UBND TP Hà Nội cho biết, Đề án ra đời với mục tiêu để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn đồng thời tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng. Theo đó đến năm 2020 đạt từ 30% đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50% đến 55%.

Trả lời câu hỏi cấm xe máy thì người dân sẽ đi lại bằng gì, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp như, tập trung xây dựng theo quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư tuyến các tuyến buýt nhanh BRT theo quy hoạch; xây dựng Đề án mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng xe buýt tạo điều kiện để người dân tiếp cận với xe buýt thuận tiện hơn; phát triển mạng lưới điểm đỗ, các điểm giao thông tĩnh để phục vụ kết nối giao thông cá nhân với phương tiện giao thông công cộng… “Khi phương tiện công cộng tốt, rẻ đáp ứng nhu cầu người dân, người dân ắt có lựa chọn thông minh”- ông Viện nói.

Ông Viện cũng cho biết sẽ hạn chế phương tiện cá nhân theo lộ trình cụ thể. Theo Đề án, giai đoạn 2017-2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017-2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.

Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017-2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Hạn chế xe bằng giải pháp kinh tế

Trả lời câu hỏi liệu Hà Nội có đủ điều kiện để hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân trước khi hạn chế xe máy, ông Vũ Văn Viện cho biết, thời gian từ nay đến 2030, với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải giao thông công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, các tuyến đường BRT, nâng cao chất lượng vận tải khách công cộng, TP cơ bản đáp ứng được cầu đi lại của nhân dân.

Giao thông hỗn hợp ở Hà Nội, trong đó xe máy vẫn là phương tiện chính.

Hạn chế xe máy không hề dễ vì đây không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là phương tiện mưu sinh liệu Đề án có khả thi? Với câu hỏi này ông Viện cho biết, Hà Nội không quản lý phương tiện biện pháp hành chính mà chủ yếu sử dụng bằng biện pháp kinh tế để điều chỉnh mức độ mua và sở hữu phương tiện giao thông, hạn chế số lượng tham gia giao thông phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng.

Đồng tình hạn chế phương tiện cá nhân bằng giải pháp kinh tế, TS Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, không nên sử dụng công cụ cấm mà phải dùng các biện pháp hạn chế, kiểm soát vùng, khu vực hoạt động, bất kể là ô tô hay xe máy.

Việc này phải có lộ trình thích hợp, có giải pháp để không làm ảnh hưởng đến đời sống cũng như tốc độ phát triển kinh tế-xã hội. Và chỉ hạn chế và tiến tới loại bỏ xe máy hoạt động trong khu vực trung tâm khi vận tải công cộng đã phát triển tương ứng.

Song song đó phải có giải pháp tăng cường quản lý đối với ô tô cá nhân thông qua biện pháp kinh tế, tài chính. Điều quan trọng để giải thích được việc nên hạn chế loại phương tiện nào phải xuất phát từ quan điểm chung là để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng vận

Hài hòa giữa phương tiện cá nhân và công cộng

Hạn chế phương tiện cá nhân đi kèm với nó là tăng vận tải công cộng, nhưng vận tải công cộng muốn “giành lấy” thị phần thì phải khuyến khích người dân sử dụng loại hình vận tải này, ông Phạm Đình Đoàn- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái nói.

Để khuyến khích người dân bỏ phương tiện cá nhân ông Đoàn đề xuất nên chăng TP miễn phí xe buýt, bởi nếu so sánh với những mất mát do ô nhiễm môi trường, hàng năm TP mất đến nửa tỷ USD thì chi cho vận tải công cộng là cần thiết để tạo thói quen cho người dân.

TS Trịnh Thanh Bình - Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT, cho rằng, khi thực hiện Đề án, TP Hà Nội cần tính đến sự hài hòa giữa các phương tiện.

“Hà Nội đã thông qua Đề án nhưng vấn đề khi thực hiện cần xét đến yếu tố hài hòa giữa các phương tiện giao thông. Một xã hội chỉ sử dụng xe đạp, xe máy hoặc đi bộ thì không thể coi là thịnh vượng vì tốc độ di chuyển, khả năng chuyên chở thấp. Một xã hội chỉ sử dụng ô tô cá nhân thì chắc chắc sẽ gặp rất nhiều vấn đề về ách tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông”- theo ông Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội sẽ cấm xe máy từ năm 2030

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO