Sáng 6/9, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn.
Nhiều nơi tại Hà Nội người dân vẫn làm giếng khoan để lấy nước .
Theo đại biểu Đoàn Việt Cường, trên địa bàn TP hiện đang triển khai 11 dự án cấp nước tuy nhiên có 6 dự án chậm, thậm chí chưa triển khai. Đại biểu Trần Việt Anh chất vấn, Dự án xây dựng trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) sau gần 6 năm vẫn dang dở, chưa đi vào hoạt động vậy nguyên nhân do đâu và ai chịu trách nhiệm?
Giải trình, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: Dự án trạm cấp nước cục bộ (Công ty Minh Quân đầu tư) ở thị trấn Đại Nghĩa đang gặp vướng mắc do khả năng, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Công ty Minh Quân chưa có kinh nghiệm nhưng lại có nguồn đầu tư, còn Công ty nước sạch Hà Đông có kinh nghiệm nhưng lại không có nguồn. Bên cạnh đó, còn do nguồn nước ngầm ở sông Đáy hiện đang rất ô nhiễm. Trước mắt, TP sẽ đưa Công suất 16.000 m3/ngày đêm của nhà máy sông Đuống và 10.000m3/ngày đêm của nước mặt Quan Sơn để đưa nước đến trạm cấp nước Đại Nghĩa.
Giám đốc Sở Xây dựng cũng giải thích thêm việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. TP đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này. Qua đánh giá của Bộ Xây dựng, tính khả thi của các Quy hoạch cấp nước rất cao, song khó nhất vẫn là ở Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất do dân cư thưa thớt, địa hình khó…
Tiếp đó, đại biểu Duy Hoàng Dương đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết đối với các dự án cấp nước sạch của TP, đã có bao nhiêu dự án Sở tham mưu cho TP để thực hiện thu hồi hoặc chuyển chủ đầu tư các dự án nếu chủ đầu tư không đủ năng lực? Các đại biểu Hoàng Tú Oanh, Nguyễn Bích Thủy cũng chất vấn về vấn đề này.
Về dự án cấp nước sạch Chương Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Oanh- Giám đốc Công ty CP môi trường đô thị Xuân Mai giải trình việc chậm tiến độ của dự án là do công tác giải phóng mặt bằng, do quy hoạch. Tuy nhiên giờ các khâu cơ bản đã xong, dự kiện tháng 10/2019 sẽ bàn giao nốt trạm X1, dự án sẽ hoàn thành vào quý II/2020. Còn Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng thông tin dự án của Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, theo quyết định sẽ cấp nước sinh hoạt cho 12 xã và khu vực Miếu Môn. Giai đoạn 1 hoàn thành từ năm 2013 đến năm 2015; giai đoạn 2 từ năm 2015 đến năm 2017. “Tuy nhiên, DN giữ dự án nhưng vốn thỏa thuận với ngân hàng chưa có. Làm sao có thể đạt được chỉ tiêu của HĐND TP khi DN không có đủ khả năng tài chính? Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai chưa triển khai dự án nên đề nghị TP kiểm tra, đánh giá năng lực DN” - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đề nghị.
Tiếp tục giải trình, Giám đốc Công ty CP môi trường đô thị Xuân Mai cho biết: Dự án chậm tiến độ 2 năm do chủ đầu tư “lúng túng” về nguồn vốn từ Nhà nước sang xã hội hóa. Tuy nhiên, ông Oanh hỏi Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ từ năm 2013 đến tháng 6/2019 mới bàn giao cho chủ đầu tư, đây là trách nhiệm của Nhà nước hay trách nhiệm của DN theo quyết định của pháp luật, điều này cần làm rõ…
Trả lời các câu hỏi của đại biểu về vấn đề nước sạch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, 3 năm qua (từ năm 2016), UBND TP đã họp 37 lần với các nhà đầu tư, công ty, các huyện xã để giải quyết vướng mắc khó khăn; khơi thông chính sách giải phóng mặt bằng. Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm thạch tín, asen; với 300.000 giếng khoan ở khu vực ở nông thôn, TP sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các DN cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu vùng xa... Ngay sau Hội nghị, Chủ tich UBND TP cho biết, TP sẽ rà soát các DN nước sạch phải đủ năng lực, nếu không thì phải thay thế...