Tại cuộc làm việc mới đây giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa Giáo dục phổ thông (GDPT), lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2021-2025 thành phố dự kiến xây dựng mới 433 trường học, để nâng tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia.
Tại cuộc làm việc này, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị làm rõ mức độ đáp ứng của hệ thống trường, lớp, phòng học chức năng để đảm bảo thực hiện chương trình; chính sách khuyến khích xã hội hóa nguồn lực thực hiện chương trình.
Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố có khoảng 40.200 phòng học, khoảng 10.459 phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn... của cả 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT). Có khoảng 60% số trường THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố có cơ sở vật chất ổn định và xây dựng kiên cố, được giao đất và cho thuê hoặc sử dụng đất của gia đình. Với hệ thống trường tiểu học thì hầu hết các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới, thành lập mới, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, có các phương án phân tuyến hợp lý nhằm giảm áp lực quá tải sĩ số.
Mặc dù các cấp học vẫn bố trí đi thuê, mượn cơ sở vật chất hoặc ưu tiên, sắp xếp đủ phòng học đạt tiêu chuẩn cho học sinh để đảm bảo điều kiện dạy và học, thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhưng hiện nay quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn Thủ đô còn những bất cập.
Lý giải về điều này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học. Ngoài ra, tỷ lệ huy động học sinh học trường ngoài công lập của các cấp học còn thấp - đặc biệt là giáo dục THPT với ngoại thành. Trong khi nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn thành phố vào trường lớp công lập tăng cao.
Trước thực trạng trên bà Vũ Thu Hà cho biết, để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời bố trí nguồn vốn cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu. Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường, xây mới tăng thêm 8.323 phòng học và phòng học bộ môn. Đồng thời, cải tạo, sửa chữa 631 trường với 11.803 phòng học và phòng học bộ môn.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về các cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô sửa đổi tạo hành lang pháp lý thuận lợi phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, có những chính sách khuyến khích đối tượng đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bằng quy định ưu đãi đầu tư cao hơn. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do thành phố quy định.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp đảm bảo đủ số trường, lớp theo quy định. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học các cấp nhằm đảm bảo hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học phục vụ phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô; bố trí các nguồn vốn đầu tư xây mới trường học, bổ sung thêm phòng học và cải tạo trường, lớp học tích hợp vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các trụ sở để xây trường học công lập.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng trường học
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Giai đoạn 2021-2025 Hà Nội có nhu cầu xây mới 135 trường ngoài công lập, với kinh phí khoảng 10.800 tỷ đồng. Vì vậy, thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn xã hội hóa phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất trường lớp ngoài công lập. Khuyến khích đa dạng hóa phát triển trường lớp ngoài công lập và hội nhập quốc tế.