Tiếng dân

Hà Nội: Thông tin về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại Tây Hồ

Văn Thanh 21/11/2023 15:05

Báo Đại Đoàn Kết nhận được thông tin của người dân phường Yên Phụ, quận Tây Hồ liên quan đến nguyện vọng được chậm di dời sau khi có quyết định của UBND TP Hà Nội.

Hiện nay, khu vực khu tập thể F361 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ có tất cả 11 ngõ được đánh số từ ngõ 01 - ngõ 11.

Tại đây có nhiều hộ gia đình đang sinh sống ổn định. Các hộ gia đình này sống ở đây từ những năm 2000 có cùng vị trí, cùng nguồn gốc đất và thành khu dân cư đông đúc.

Ngày 7/8/2023, UBND TP Hà Nội có quyết định số 3937/QĐ-KPHQ về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Trần Thị Tuyết do hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều và vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện là khôi phục tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm (phá dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm là 1 ngôi nhà 1,5 tầng, tường xây gạch, diện tích 115m2, thu dọn vật liệu, dụng cụ ra khỏi khu vực vi phạm)… và buộc trả lại 320m2 đất đang sử dụng.

Thông tin phản ánh từ bà Trần Thị Tuyết (trú tại Khu tập thể F361 An Dương, phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) cho hay năm 2002, gia đình bà Tuyết được bà Nguyễn Thị Nhượng (thường trú tại số 45 đường 5, khu tập thể F361 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) chuyển nhượng cho một mảnh đất diện tích 320m2 tại số 48 đường 9, bao gồm: 1 nhà cấp IV, 1 nhà kho cùng cây cối. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1998, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp trầm trọng, không còn đảm bảo an toàn để ở.

Do điều kiện ở chật chội, gia đình bà Tuyết đã nhiều lần chống sập, chống dột, nâng cấp nhà cấp IV lên 1,5 tầng để ở và sinh hoạt ổn định cho đến nay. “Những năm qua gia đình tôi chỉ sử dụng đúng, đủ diện tích đất của mình và không có tranh chấp, khiếu kiện”, bà Tuyết cho hay.

z4898259621673_ff019e404dbcdee4b3c34671ff0f3228.jpg
Ngoài căn nhà của gia đình bà Tuyết còn có nhiều căn nhà kiên cố khác nhưng lại không thuộc diện giải toả di dời?

Cho rằng quyết định buộc tháo dỡ căn nhà 1,5 tầng mà gia đình đã đang sinh sống ổn định nhiều năm qua và một vài gia đình khác là chưa hợp lý, bà Tuyết bày tỏ quan điểm: "Tại sao các hộ dân khác cũng cùng nguồn gốc đất, cùng vị trí lại có sự khác nhau trong việc phù hợp quy hoạch và không phù hợp quy hoạch chung?”.

Do đó, bà Tuyết cũng đã làm đơn đề nghị UBND Thành phố có chỉ đạo rà soát lại quy hoạch hai bên bờ sông Hồng theo Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065; Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

z4898259170882_e6e066481684cd41b186eef316e16139.jpg
Hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại đây, nhưng chỉ có gia đình bà Tuyết và 4 hộ dân khác buộc phải tháo dỡ di dời.

“Theo quy định tại mục 4 Điều 1 Quyết định 1045/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 của UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 đoạn từ Cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở tại các quận huyện trong đó có quận Tây Hồ, khu vực của các hộ dân chúng tôi đang sinh sống không thuộc diện khu vực phải di dời để đảm bảo yêu cầu thoát lũ”, bà Tuyết lí giải.

Trao đổi với phóng viên, bà Tuyết bày tỏ mong muốn "sau khi có quy hoạch chi tiết khu vực các hộ gia đình chúng tôi sinh sống được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có yêu cầu toàn bộ các hộ dân phải thực hiện, gia đình tôi sẽ sẵn sàng tiên phong đi đầu, cùng các gia đình khác xung quanh thực hiện theo quy định.

"Gia đình tôi tha thiết đề nghị các cấp chính quyền xem xét, tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho gia đình tôi tiếp tục được ở ổn định như các gia đình khác xung quanh nhà tôi", bà Tuyết nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Thông tin về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại Tây Hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO