Giao thông

Hà Nội tính tăng giá vé xe buýt: Người dân mong muốn chất lượng tốt hơn

Lê Khánh 03/07/2024 11:36

Hiện nay, Hà Nội đang xem xét việc tăng giá vé xe buýt. Song, theo người dân khi tăng giá vé, các cơ quan quản lý cũng cần cải thiện thêm chất lượng dịch vụ.

Tăng giá vé cao nhất thêm 20.000 đồng

Theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, giá vé xe buýt Hà Nội lượt cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng; từ 25km đến dưới 30km tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 lên 15.000 đồng; và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 lên 20.000 đồng.

Với vé tháng, mức tăng trung bình lên tới 40%. Học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).

Các đối tượng khác vé một tuyến là 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng), vé liên tuyến 280.000 đồng (hiện 200.000 đồng).

snapseed-141.jpg
Xe buýt BRT.

Theo Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2014 đến nay thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014.

Theo tính toán, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tương ứng mỗi người chi 800.000 đồng "là chấp nhận được". Trong những năm qua các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… tăng cao so với trước đây. Chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014.

Hiện Hà Nội có 153 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 128 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour.

Giai đoạn 2015 - 2019 đã trợ giá trung bình 1,371 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020 - 2022 trợ giá trung bình 2.230 tỷ đồng/năm (riêng năm 2022 trợ giá là 2.991 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 trợ giá 2.754 tỷ đồng).

Trong đó, ngân sách TP Hà Nội hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; miễn tiền vé với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.

Cần cải thiện thêm chất lượng

Hiện nay, Hà Nội đã áp dụng chính sách miễn tiền vé xe buýt cho người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.

Với mức hỗ trợ tốt, loại hình vận tải hành khách công cộng trở nên hấp dẫn với người dân. Qua đó, giúp giảm tải việc sử dụng các phương tiện cá nhân, giảm chi phí đi lại, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong thành phố.

Chia sẻ với PV, anh Hoàng Văn Duy (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: "Giá vé xe buýt hiện nay còn thấp, nếu tăng thêm một vài nghìn thì người dân vẫn có thể đáp ứng được, tiếp tục sử dụng dịch vụ xe buýt".

Tương tự, Trịnh Quốc Việt (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi ủng hộ việc tăng giá vé xe buýt vì tôi thấy mức tăng không quá lớn. Tôi tin rằng việc tăng giá xe buýt xe có nhiều lợi ích hơn, giúp cho hệ thống xe buýt trở nên hoàn thiện hơn, văn minh hơn".

snapseed-142.jpg
Hành khách vất vả chờ xe buýt tại điểm chờ không mái che.

Chị Nguyễn Lan Hương (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: "Là người dân thường xuyên sử dụng xe buýt tôi đồng tình với sự thay đổi giá vé xe buýt. Tuy nhiên, tôi mong muốn sau tăng giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng sẽ trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn".

"Tôi thấy việc tăng giá vé xe buýt là cần thiết, hy vọng rằng sau khi tăng giá vé cơ sở hạ tầng sẽ được cải thiện, tài xế, phụ xe sẽ có thái độ tốt hơn" - chị Bùi Khánh Ly (quận Long Biên, Hà Nội) nói.

Anh Nguyễn Văn Sơn trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, hiện nay vẫn còn nhiều điểm chờ xe buýt chưa có mái che. Ngày nắng thì nóng, ngày mưa thì ướt: "Tôi mong rằng, nếu tăng giá vé xe buýt các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quan tâm, cải thiện thêm chất lượng dịch vụ".

Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, việc tăng giá vé xe buýt là cần thiết. Tuy nhiên sau khi tăng, cần giữ ổn định chứ không tăng giảm bấp bênh, đảm bảo giá vé phù hợp và công bằng cho hành khách sử dụng đối với chuyến đi cự ly ngắn và dài để họ không cảm thấy mình bị thu tiền đắt hơn.

"Với mức giá như đề xuất sẽ không làm ảnh hưởng đến kinh tế, thu nhập của người dân. Đây có thể coi là mức phí hợp lý với hành khách sử dụng xe buýt", ông Bình cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội tính tăng giá vé xe buýt: Người dân mong muốn chất lượng tốt hơn