Một cuộc tọa đàm với chủ đề “Hà Nội đã thay đổi như thế nào?” vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) với sự tham gia của 4 khách mời là KTS Phó Đức Tùng, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức và nhà thơ Vi Thùy Linh. Những nhận định rất giống nhau đã được đưa ra: Hà Nội không chỉ đã thay đổi về kiến trúc mà còn cả về văn hóa.
1. Chia sẻ về cảm nhận Hà Nội ngày nay thông qua việc khảo sát cảnh quan, đời sống thị dân Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) khẳng định: “Hình ảnh Hà Nội giờ đây có nhiều biến đổi, với hệ thống “siêu truyền dẫn”- dây điện chằng chịt, “mặt tiền thành tiền mặt” với hàng loạt con phố treo biển quảng cáo... Sự biến đổi không gian, kiến trúc đô thị là một trong những biểu hiện về sự thay đổi lối sống, văn hóa của mảnh đất kinh kì trong xu thế hội nhập, di cư, cho thấy sự yếu kém về tầm nhìn, quản lý đô thị”.
Cũng theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, một loạt máy in phun khổ lớn và công nghệ rẻ tiền đã tạo nên câu chuyện “bịt mặt” toàn bộ những ngôi nhà mặt phố thành một trào lưu. Không riêng Hà Nội, mà nó tràn lan khắp các đô thị lớn, dọc các con đường quốc lộ. Đó là câu chuyện của hậu WTO, là câu chuyện một không gian riêng tư đã trở thành không gian công cộng. Ngoài ra, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng đưa đến buổi tọa đàm những bức ảnh về những căn nhà ống đứng treo đầy biển quảng cáo trong các dự án nghệ thuật về Hà Nội của mình.
KTS Phó Đức Tùng thì nhận xét rằng chỉ bốn quận nội thành cùng khu phố Pháp và phố cổ mới thật là Hà Nội. Cùng với đó KTS Tùng cũng chia sẻ quan điểm của mình: “Theo tôi, chúng ta không thể so sánh Hà Nội ngày xưa với Hà Nội ngày nay. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng cuối cùng vẫn trở về Hà Nội. Tôi thích Hà Nội dù nó thay đổi rất nhiều…”
2. Không chỉ thay đổi về hình ảnh, kiến trúc, Hà Nội hôm nay còn trở nên khó nhận diện về mặt “linh hồn”. Giá trị văn hóa của Hà Nội đang bị phôi phai. Dẫu vậy, theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: “Văn hóa phong tục ở bất cứ thời kì nào cũng có điều tốt, điều xấu. Chúng ta không nên nghĩ cứ thay đổi là xấu…Và thay đổi cũng có nghĩa là kế thừa những giá trị tốt đẹp. Hãy nghĩ đến việc thế hệ sau 60 năm nữa ao ước được trở về thời đại lúc này cũng như chúng ta đang ao ước được trở về với Hà Nội ngày xưa vậy”.
KTS Phó Đức Tùng cũng cho rằng, cuộc sống không chỉ có giá trị tinh hoa. Hà Nội khác, khác nhiều có lẽ ở trong cách nghĩ của mỗi người. “Đối với tôi Hà Nội đẹp nhiều hơn xấu”- ông Tùng nêu quan điểm.
Tại tọa đàm, những khách tham dự cũng cho rằng bản thân Hà Nội cũng đang thay đổi để phù hợp với thời đại, có người lại nghĩ Hà Nội vẫn vậy, chỉ có con người đang thay đổi nhưng không nhận ra. Nhưng dù Hà Nội có thế nào thì tình yêu với mảnh đất ngàn năm văn vật này vẫn không có sự khác biệt, chỉ có điều mỗi người đều đang yêu Hà Nội theo cách của riêng mình mà thôi. Vì thế để chứng minh tình yêu ấy, mỗi người hãy bảo tồn những gì mình yêu quý Hà Nội bằng hành động cụ thể, cho dù là nhỏ bé.