Mỗi ngày, Hà Nội phát sinh 6.500 tấn rác thải sinh hoạt và khoảng 30% trong số này chưa thể thu gom, xử lý. Bãi rác “tự nhiên” vì thế mọc lên ở bất cứ hang cùng ngõ hẹp, đất trống, kênh mương, ao hồ… Lâu ngày sự ùn ứ rác, tạo sự thiếu mỹ quan, ô nhiễm bầu không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân.
Rác thải bủa vây cầu Am (Hà Đông, Hà Nội).
Tại cầu Am (Hà Đông), rác thải sinh hoạt được tập kết ngay khu vực gầm cầu và lan dọc theo sông. Phần lớn rác ở đây phát sinh từ khu dân cư dọc theo cầu Am, tạo mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Đặng Thái Hoà (62 tuổi), người dân nơi đây cho biết, rác chủ yếu do sự thiếu ý thức của một bộ phận cộng đồng dân cư vứt bỏ.
Lâu ngày thành thói quen, rác tích tụ không được xử lý khiến mùi hôi thối bủa vây cả khu vực.
Nhiều tổ dân đã có kiến nghị để thu gom nhưng năm này qua năm khác, rác vẫn đâu hoàn đấy.
Tương tự, tại khu vực bờ sông cầu Long Biên, rác thải sinh hoạt được “tập kết” tại chân bờ sông khiến bầu không khí ở đây nhiều nơi đặc quánh hôi thối.
Hồ rác Linh Quang (Văn Chương, Đống Đa) dù đã được cải thiện đáng kể nhưng rác thải lấp hồ, là hình ảnh nhãn tiền thường gặp nhất, tại hệ thống hồ ao Hà Nội.
Rác từ khu dân cư, từ sự thiếu ý thức của người dân và sự thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại, khiến khi nhắc đến hồ Linh Quang, chỉ một từ duy nhất: Rác. Bệnh tật phát sinh khu vực là điều không tránh khỏi.
Và không thể không nhắc đến bãi rác dân sinh tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai. Bãi rác “tự nhiên” đã chất đống thành núi, khiến bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Ruồi muỗi bay khắp làng, người dân ăn cơm trong màn và nỗi niềm tích tụ tạo bức xúc cao điểm.
Được biết, Công ty môi trường và đô thị Xuân Mai đã dốc sức thu gom, nhưng vì sao lượng rác xử lý chậm và đi đâu xử lý chính là câu chuyện nan giải của 30% của 6.200 tấn rác chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Ông Đinh Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ lý giải, sự tồn ứ của khoảng 15.000 tấn rác trên địa bàn. Cụ thể, mỗi ngày, lượng rác sản sinh tại huyện khoảng 150 tấn.
Do bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây) quá tải không thể tiếp nhận, chính vì vậy, cách duy nhất là rác được tập kết ở nhiều địa điểm trống và lập phương án tiêu huỷ nhưng cũng chỉ dứt điểm một phần của bề nổi.
Ông Nguyễn Trọng Đông- Giám đốc Sở TNMT Hà Nội cho biết, hiện nay bãi rác Nam Sơn, bãi rác lớn nhất Hà Nội đã ứ đầy, mặc dù đã không ít lần mở rộng (Quy hoạch ban đầu của bãi rác Nam Sơn là 9 ô chôn lấp trên 83 ha, nay là 13 ô chôn lấp).
Các bãi rác khác cũng trong tình trạng bị lấp đầy do lượng rác phát sinh theo cấp số nhân. Hiện tại, lượng rác phát sinh khoảng 6.500 tấn/ ngày đêm.
Tuy nhiên, với sự phát triển của Thủ đô, dự báo đến năm 2020 lượng rác chất thải của toàn thành phố là 14.150 tấn/ngày đêm, năm 2030 là 18.900 tấn/ngày đêm và đến năm 2050 là 25.380 tấn/ngày đêm.
Xã hội hóa xử lý rác thải, ngành kinh doanh bộn tiền, cần phải thực sự minh bạch, cộng hưởng sức dân, để Hà Nội xanh, sạch, đẹp đúng nghĩa.