Giao thông

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hướng tới hạn chế các loại phương tiện phát thải cao

Lê Khánh 28/03/2025 15:19

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội thông tin tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh các khu vực phát thải thấp đã bước đầu được hình thành, hướng tới việc hạn chế các loại phương tiện có lượng phát thải cao.

Tại Lễ phát động "Chuyển đổi xanh - chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững" do Báo Lao động tổ chức sáng nay 28/3, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội thông tin, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chương trình hành động nhằm hiện thực hóa mục tiêu Net Zero. Trong đó, giao thông xanh được xác định là lĩnh vực trọng tâm. Thành phố đang thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, gồm xe buýt điện, đường sắt đô thị, làn xe đạp và các khu vực đi bộ thân thiện với môi trường.

Theo ông Hoa, những giải pháp này không chỉ góp phần cắt giảm khí thải nhà kính và ô nhiễm không khí mà còn giúp tái cấu trúc hệ thống giao thông theo hướng thông minh, tiện ích và bền vững hơn cho người dân.

z6449752317113_58513cd710cc9c36417575589fdccdfb.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Ngày chuyển đổi xanh năm 2025. Ảnh: Lê Khánh.

Một hướng đi đáng chú ý khác là việc xây dựng các vùng phát thải thấp. Trước mắt, thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình - những khu vực có mật độ giao thông cao và chịu áp lực lớn về môi trường. Sau giai đoạn thử nghiệm, mô hình này sẽ được mở rộng ra các quận, huyện khác.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh các giải pháp tái chế và quản lý chất thải, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Mục tiêu là giảm phát thải từ hoạt động sản xuất, giao thông, xây dựng và sinh hoạt, đồng thời cải thiện chất lượng không khí, hạn chế bụi mịn và các tác nhân gây hại đến sức khỏe cộng đồng.

“Thủ đô đang tích cực học hỏi và áp dụng các mô hình “thành phố xanh” từ nhiều quốc gia tiên tiến, từng bước kiểm soát tốt các nguồn phát thải và nâng cao chất lượng sống của người dân”, ông Hoa cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, dưới sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các địa phương, nhiều sáng kiến đã được triển khai.

Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các khu vực phát thải thấp đã bước đầu được hình thành, hướng tới việc hạn chế các loại phương tiện có lượng phát thải cao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện xanh.

“Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư quy định về phương tiện xanh, sạch – trong đó tạo hành lang ưu tiên cho xe có mức phát thải thấp hoạt động ở một số khu vực nhất định. Ngược lại, các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ bị hạn chế lưu thông tại các vùng quy hoạch cụ thể", ông Tiến cho biết.

Về tiêu chuẩn khí thải, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nâng mức yêu cầu đối với các loại xe lắp ráp mới, đặt ra ngưỡng tiêu chuẩn cao nhằm kiểm soát khí thải ngay từ khâu sản xuất.

Song theo ông Tiến, việc phát triển phương tiện giao thông điện cần có sự phối hợp từ nhiều Bộ ngành. Như Bộ Công Thương đang xây dựng chính sách về giá điện cho trụ sạc theo chỉ đạo của Chính phủ – yếu tố được xem là chìa khóa để khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng xe điện.

Ngoài ra, các quy chuẩn hạ tầng cũng đang được rà soát để đồng bộ hóa với sự phát triển của phương tiện điện.

“Chúng tôi đang cùng các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chuẩn cho hệ thống trạm sạc điện tại các trạm dừng nghỉ, bến xe và các khu đô thị. Việc này sẽ góp phần rút ngắn thời gian sạc, tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng”, ông Tiến thông tin.

Dù vậy, về lâu dài ông Tiến cho rằng việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng, như tuyến đường sắt đô thị, cũng cần được đẩy mạnh và tích hợp vào quy hoạch đô thị một cách bài bản, nhằm thay đổi thói quen di chuyển cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng.

Song song với chính sách, Bộ Xây dựng cũng đang triển khai các nghiên cứu và kế hoạch hỗ trợ mở rộng hệ thống xe buýt điện liên tỉnh và nội đô, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Bộ cũng đã học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, châu Âu… để đưa ra đề xuất chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, để chuyển đổi giao thông xanh thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành trong việc xây dựng chính sách tài chính, ưu đãi đầu tư, và quan trọng hơn cả là sự tham gia của người dân. “Việc phát triển xe điện không thể chỉ dựa vào quyết tâm của cơ quan quản lý. Ý thức và nhu cầu thực sự của người dân sẽ là yếu tố quyết định”, ông Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hướng tới hạn chế các loại phương tiện phát thải cao