Hầu hết các tuyến phố tại nội thành Hà Nội hiện nay, tình trạng phương tiện (chủ yếu là xe máy) đang tận dụng phần lớn diện tích vỉa hè, làm nơi dừng đỗ. Dưới lòng đường, nhiều khoảng không gian giao thông được đưa vào quy hoạch làm bãi đỗ xe ô tô, song cũng không đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là những giờ cao điểm. Xe máy và ô tô, phần lớn vì thế “tràn” lên vỉa hè, lòng đường trái phép, khiến không gian đi bộ, kể cả lưu thông dưới đường co lại.
Ảnh minh họa.
Chưa đáp ứng đủ 10% nhu cầu điểm đỗ của người dân, giao thông tĩnh của TP Hà Nội không những mất cân đối với quy hoạch, còn tạo áp lực không nhỏ với ùn tắc đô thị. Đây còn là nguyên nhân khiến phương tiện người dân không chỗ gửi buộc phải tràn đường, vỉa hè.
Hầu hết các tuyến phố tại nội thành Hà Nội hiện nay, tình trạng phương tiện (chủ yếu là xe máy) đang tận dụng phần lớn diện tích vỉa hè, làm nơi dừng đỗ.
Dưới lòng đường, nhiều khoảng không gian giao thông được đưa vào quy hoạch làm bãi đỗ xe ô tô, song cũng không đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là những giờ cao điểm. Xe máy và ô tô, phần lớn vì thế “tràn” lên vỉa hè, lòng đường trái phép, khiến không gian đi bộ , kể cả lưu thông dưới đường ngày một co lại.
Theo kết quả thống kê của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đến hết năm 2016, diện tích dành cho giao thông tĩnh toàn thành phố chỉ đạt khoảng gần 40 ha tương đương 0,12 % diện tích đất ở đô thị.
Trong đó, hệ thống các bến bãi, điểm đỗ xe khoảng 134 điểm với tổng diện tích khoảng 258.890 m2, cho phép đỗ xe trên 7.000 xe. 127 điểm đỗ xe trên hè phố, đất lưu không với diện tích 73.639 m2, chứa khoảng 4.500 xe.
Khoảng gần 200 điểm trông giữ xe của các cơ quan tận dụng khai thác trên các diện tích đất lưu không trong khuôn viên như sân trường, bệnh viện, trụ sở cơ quan, kho tàng hoặc các hầm ngầm của các khách sạn lớn, nhà chung cư…
Tuy nhiên, với sức tăng chóng mặt của phương tiện cá nhân trong vòng 5 năm qua (Hà Nội có khoảng trên 5 triệu phương tiện) diện tích giao thông như vậy mới chỉ đáp ứng chưa đầy 10% nhu cầu của người dân. Hơn 90% còn lại, là thông số lý giải vì sao hè phố, lòng đường ngày một chật chội.
Hà Nội cần rất nhiều điểm đỗ xe nữa như ở phố Nguyễn Công Hoan.
Lỗi do đâu? Trước tiên là quy hoạch. Vào năm 2003, một quy hoạch chi tiết về giao thông tĩnh Hà Nội đã được thông qua. Song quy hoạch này gần như bị phá sản, hoặc có thực hiện cũng theo kiểu điều chỉnh lên xuống, chắp vá.
Nguồn cơn là sự phát triển của thủ đô Hà Nội quá nhanh, nhiều chung cư cao tầng, trung tâm thương mại mọc lên như nấm đã “chiếm” luôn các diện tích được “khoanh vùng” trước đây làm điểm đỗ xe công cộng. “Đất vàng” bị chiếm, sức tăng mật độ dân cư chóng mặt. Chính vì vậy, theo tổng kết hiện nay, quận Đống Đa chỉ đạt 4,23% nhu cầu điểm đỗ, quận Thanh Xuân đạt 8,1%, quận Tây Hồ đạt 6,69%...
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia đánh giá: “Nhiều khu đô thị, trung tâm thương mại chỉ chăm chăm tận dụng đất làm nhà mà bỏ quên phần giao thông tĩnh. Sự bất vị người dân ấy, khiến nhân dân thiếu điểm đỗ phải tận dụng tất cả những gì có thể, kể cả việc phạm luật để dừng đỗ. Quy hoạch thay đổi, xây dựng thiếu giám sát, chính là bi kịch của điểm đỗ hiện nay”.
Nguyên nhân quan trọng tiếp theo, là thiếu một cơ chế chính sách phù hợp cho người “làm bãi đỗ xe”. Trên thực tế, đây là lĩnh vực bỏ vốn nhiều, thu hồi chậm. Bản thân những lô đất để khai thác kiếm lời nhanh đều được dành cho các mục đích kinh doanh khác. Còn lại là những địa điểm không thuận lợi, khiến các nhà đầu tư thờ ơ chán nản.
Lấy ví dụ, đầu tư một bãi đỗ xe thông minh tại đường Lê Văn Lương hiện nay, cả tiền đất và xây dựng ngót nghét 50 tỷ đồng. Với khoảng gần 200 xe như vậy, không biết ngày tháng nào mới thu hồi vốn. Nhắc đến điểm đỗ xe, doanh nghiệp đầu tư đều lắc đầu.
Giải pháp cho giao thông tĩnh có lẽ cần sự rà soát tổng thể, thiết kế lại cho phù hợp với sự phát triển của TP Hà Nội. Trước hết, uu tiên vốn đầu tư xây dựng một số bãi đỗ xe lớn theo quy hoạch như Xuân Phương, Vĩnh Quỳnh, Mai Lâm, Lĩnh Nam, Bắc Yên Viên… Bố trí các khu vực đỗ tập trung tại khu vành đai khu vực phố cổ.
Tận dụng bố trí điểm đỗ xen kẽ trong khu vực cây xanh công viên và những điểm đỗ ngầm dưới công trình xây dựng mới. Từ khu vực vành đai 2 trở vào sẽ được ưu tiên quy hoạch phát triển bãi để xe cao tầng.
Tập trung xây dựng các bãi đỗ xe đấu nối với hệ thống giao thông công cộng sẽ đưa vào sử dụng như tuyến buýt Yên Nghĩa - Kim Mã, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội...
Chỉ có như vậy lòng đường mới có thể thông thoáng.