Cả đoạn đường dài hàng trăm mét được đổ bê tông trên hành lang đường sắt ở xã La Phù, huyện Hoài Đức (TP Hà Nôi) mà lãnh đạo địa phương không biết. Đến nay các công trình vi phạm vẫn tồn tại chưa bị xử lý, đe dọa đến hành lang an toàn đường sắt.
Đổ đường bê tông trên hành lang đường sắt
Vào ngày 10/5, Cục Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra các điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội).
Ông Nguyễn Giang Hải, Trưởng phòng Thanh tra An toàn 1 (Cục Đường sắt Việt Nam) thông tin: Việc người dân tự ý san gạt, đổ bê tông làm đường trên hành lang đường sắt đã được đơn vị quản lý là Công ty CP Đường sắt Hà Thái phát hiện từ tháng 3/2022 và báo chính quyền địa phương lập biên bản, đề nghị xử lý vi phạm.
Tại biên bản cuộc kiểm tra đã thống nhất biện pháp giải quyết, trong đó UBND xã La Phù xác minh làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật; Chủ động phối hợp với Công ty CP Đường sắt Hà Thái kiểm tra, xử lý công trình xây dựng trái phép này, thời hạn xong trước ngày 10/4/2022.
Đến ngày 29/3/2022, Cục Đường sắt Việt Nam đã tổ chức kiểm tra hiện trường tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển. Qua kiểm tra đã phát hiện các hộ dân tự ý thi công xây dựng đường bê tông làm đường đi trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, với diện tích vi phạm 184,5m2 (đoạn từ km22+700 đến km22+900). Còn từ km23+600 đến km23+710, cũng đổ bê tông làm đường trên hành lang đường sắt, cách mép ray ngoài cùng 2 m, dài 110 m, rộng 6,5 m.
Đến nay sau 1 tháng, công trình vi phạm không những không được xử lý mà còn phát sinh thêm các vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể: Tại đoạn từ km22+700 đến km22+900, thi công lắp dựng 54 cọc tiêu bằng thép tôn; Trồng 35 cây xanh cao 2,5 m; Xây dựng bục bê tông ở 2 đầu đoạn đường bê tông vi phạm.
Vi phạm vẫn chưa xử lý
Theo ghi nhận của PV, hành lang tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển (đoạn qua địa phận xã La Phù) đang được các hộ kinh doanh vật liệu xây lấn chiếm đổ gạch, đá, cát tràn ra ngay gần đường ray.
Còn đoạn đường bê tông được “đổ trộm” trên hành lang đường sắt (đoạn cách ngã tư La Phù chưa đầy 200 m) có chiều dài tầm 200 m, mặt đường rộng hơn 6 m. Ở giữa giải phân cách trồng hàng cây xanh, còn cách ray đường sắt được dựng lên những cọc tiêu bằng thép nhằm ngăn cách đường bê tông với đường sắt.
Trả lời với báo chí, Ông Lê Minh Khai, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Thái thông tin: Theo quy hoạch ban đầu, tuyến đường sắt vành đai Bắc Hồng - Văn Điển là đường đôi (một đường khổ 1.000 mm, một đường khổ 1.435 mm).
Do việc xây dựng đường đôi mới chỉ dừng đến ga Phú Diễn nên đoạn từ ga Phú Diễn đến ga Hà Đông (đoạn chạy qua địa bàn xã La Phù) mới chỉ có đường sắt khổ 1.000 mm. Còn khổ đường sắt 1.435 mm chưa xây dựng và làm hành lang an toàn giao thông.
Từ tháng 1/2022 đến nay đơn vị liên tiếp phát hiện nhiều vi phạm về việc người dân tại xã La Phù, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) đổ bê tông tươi làm đường bộ trên hành lang đường sắt; tập kết các bãi vật liệu như gạch, ngói ngay sát đường ray. Tại đoạn đường km23+985, người dân thậm chí còn phá dỡ hàng rào, mở rộng lối đi, thảm nhựa và lắp tấm đan bê tông cốt thép trong lòng và hai bên đường sắt.
Theo các quy định pháp luật về bảo vệ hạ tầng đường sắt, trách nhiệm bảo vệ, xử lý thuộc về chính quyền địa phương. Đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Thái đã lập biên bản vi phạm, báo chính quyền xã xử lý nhưng nhiên đến nay đa số vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù xác nhận: Đây là công trình trái phép, quá trình xây dựng do dân thực hiện đổ “trộm” trong đêm nên xã không nắm được. “Chúng tôi nhận trách nhiệm về việc còn để xảy ra các vụ việc vi phạm, chưa ngăn chặn kịp thời, xử lý chậm. Trong tháng 5, chúng tôi sẽ xử lý ngay các vị trí vi phạm đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu như mở rộng lối đi tự mở, để vật liệu xây dựng tràn vào đường sắt”.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hữu Khoa, Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết: “Việc xây dựng công trình vi phạm địa phương đang lập hồ sơ, đối với công tác triển khai xử lý thì trong tuần này xã sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng của huyện và ngành đường sắt có phương án xử lý. Người dân xây dựng đoạn đường họ đổ đúng ngày nghỉ vào buổi đêm nên chính quyền không nắm rõ, hôm sau kiểm tra mới biết. Còn những điểm tập kết vật liệu xây dựng chúng tôi đã lập hồ sơ và ra quyết định xử phạt, yêu cầu chủ thể khắc phục hậu quả dọn dẹp đống vật liệu đi”.
Theo ông Nguyễn Giang Hải, đoàn kiểm tra đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo xử lý ngay vi phạm, trả lại nguyên trạng đất dành cho đường sắt; xem xét, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.