Sinh ra đã bị tật nguyền, tai nạn bất ngờ phải nằm một chỗ, mồ côi bố mẹ... Cuộc sống của hàng nghìn đối tượng được và không được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội ở Hà Tĩnh đang cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Cụ bà tật nguyền mong ước ngôi nhà nhỏ
Từ khi sinh ra, bà Bùi Thị Thỉ (78 tuổi, thôn Đồng Thanh, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) đã phải chịu thiệt thòi do dị tật. Bàn chân quăn quéo, phải đi cà nhắc, bước đi bấp bênh như chính cuộc đời của người phụ nữ khốn khổ Bùi Thị Thỉ.
Ngôi nhà bà Thỉ cùng con dâu và 2 đứa cháu chui ra chui vào bấy lâu nằm lọt thỏm giữa lòng thành phố Hà Tĩnh, nói là ngôi nhà nhưng thực chất là túp lều… chờ sập.
Chồng mất sớm, lâu nay, một mình bà Thỉ chăm chút cho 3 đứa con (2 trai, 1 gái) và còn chăm sóc cho con gái của chồng (con gái vợ trước của chồng) là Trương Thị Mai (60 tuổi) bị mù bẩm sinh.
Hai đứa con trai của bà Thỉ không có nghề nghiệp ổn định, phải tha phương cầu thực, vào miền Nam làm thuê. Con trai đầu có cất được ngôi nhà bên cạnh nhưng không có tiền để sơn ve, hoàn thiện. Nợ nần chồng chất, nhà chưa làm xong nhưng cả gia đình đã vào ở.
Sau khi từ miền Nam về quê tránh dịch Covid-19, đầu năm nay, cả 2 con trai bà Thỉ tiếp tục đi làm thuê kiếm tiền nuôi cả gia đình nghèo khổ.
“Nhà tôi xiêu vẹo thế này rồi, ngày mưa thì chớ chứ ngày nắng cả 4 mẹ con, bà cháu vẫn tá túc trong này”, bà Thỉ giọng rưng rưng.
Ngôi nhà tạm bợ của bà Thỉ xây dựng từ thửa xưa, khi còn trộn bùn với rơm rạ để trát vách, giờ đây nhà không còn chỗ nào vững chãi, tứ phía bị mối mọt, xiên xẹo. Chắc chỉ cần vài trận mưa nữa là toàn bộ gia sản của cụ bà 78 tuổi sập xuống.
Trong nhà trống trải, không có vật dụng gì đáng giá. Dường như sợ nhà sập bất ngờ nên thời gian gần đây cả 4 mẹ con, bà cháu xin ở nhờ trên ngôi nhà chưa hoàn thiện của người vợ chồng con trai cả.
“Bác trai đi làm ăn xa không ở nhà nên mẹ con em mới ở nhờ được chứ bác về, mẹ con em phải ở trong nhà của mẹ, không biết ở đâu nữa”, con dâu thứ Dương Thị Học buồn rầu nói.
Theo bà Thỉ, bà là một hộ riêng, những năm trước, bà thuộc diện hộ nghèo nhưng từ khi sáp nhập xã vào năm 2020 đến nay, bà không được công nhận hộ nghèo nên không được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết.
Trong khi, bà bị khuyết tật bẩm sinh nhưng vì khuyết tật nhẹ nên không đuộc đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.
“Giờ đến tuổi này vẫn phải lo âu thấp thỏm về nhà cửa như thế này tôi thật sự không đành lòng. Mong các nhà hảo tâm hỗ trợ ít tiền làm căn nhà nho nhỏ, che mưa che nắng để tôi có thể an tâm trong phần đời còn lại”, bà Nguyễn Thị Thỉ lạc giọng.
Hai mẹ con nằm một chỗ
Cách nhà bà Thỉ không xa, trường hợp của ông Dương Công Khánh (62 tuổi) và mẹ Trần Thị Nghi (80 tuổi) ở thôn Liên Công, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh cũng hết sức bi đát.
Từ một kỹ sư giỏi có tiếng, năm 2011, sau trận tai biến, ông Dương Công Khánh bị liệt hoàn toàn 2 chân.
Hơn 10 năm nằm một chỗ, người đàn ông vạm vỡ năm nào giờ héo hon, gầy mòn.
Trong căn nhà tềnh toàng, cạnh chiếc giường cũ kỹ, chật hẹp là chiếc quan tài dành cho ông... để lo hậu sự!
Lâu nay quẩn quanh trong nhà, không được thấy ánh mặt trời nên da dẻ ông Khánh trở nên xanh xao, người yếu ớt.
Là đối tượng tàn tật, mỗi tháng ông Khánh được hỗ trợ hơn 700 nghìn đồng nhưng không đủ để thuốc men, ăn uống, sinh hoạt. Cuộc sống của người đàn ông tuổi lục tuần trở nên bí bách, chật vật biết nhường nào.
Ông Hồ Sỹ Giao, Bí thư chi bộ thôn Liên Công cho hay, gia đình ông Khánh không chỉ một mình ông nằm một chỗ mà còn có mẹ là Trần Thị Nghi già yếu, không đi lại được trong mấy năm nay.
Bà Nghi có 3 đưa con trai, đứa đầu là giáo viên nhưng đã mất vì ung thư, anh Khánh nằm một chỗ còn con trai thứ hai không có nghề nghiệp gì… hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.
“Hai đứa con dâu ngoài việc cáng đáng cả gia đình, nuôi con ăn học còn phải chăm cho mẹ chồng và anh trai chồng nằm một chỗ. Rất mong cộng đồng giúp đỡ một phần chi phí hàng tháng cho anh Khánh, bà Nghi để gia đình vơi bớt khó khăn”, Bí thư chi bộ thôn Liên Công nói.
Bà Bùi Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi thành phố Hà Tĩnh cho biết: Toàn thành phố có hơn 1.100 người khuyết tật và trẻ em mồ côi nhưng trong đó có 800 người không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội. Đặc biệt, trong số 320 trẻ em mồ côi thì có 20 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.
“Người khuyết tật và trẻ em mồ côi vốn đã thiệt thòi, những người không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội cũng khó khăn không kém. Vấn đề cần kíp nhất đối với đối tượng này là hỗ trợ về việc làm hoặc xe lăn, giường chuyên dụng cho người tàn tật.
Trẻ em mồ côi cần xe đạp để đi học hoặc học bổng để hỗ trợ các em đến trường. Rất mong các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, đồng hành với người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Tĩnh”, bà Bùi Thị Tuyết bày tỏ.
Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh Hà Tĩnh Dương Hữu Giáo thông tin, toàn tỉnh có hơn 32.000 người khuyết tật, trong đó có 1/3 trong số họ đang gặp rất nhiều khó khăn vất vả trong cuộc sống.
Đặc biệt, trong số gần 6.000 trẻ mồ côi, nhiều cháu mang trên mình các bệnh hiểm nghèo, cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
Thông qua bài viết này, Báo Đại Đoàn Kết rất mong nhận được sự đồng hành của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên cả nước. “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, sự san sẻ, hỗ trợ của quý vị sẽ giúp đỡ những người yếu thế vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống.
Mọi đóng góp xin gửi về: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh Hà Tĩnh, số 107, đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh. Số tài khoản: 3700211000189 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh. Điện thoại: 0913.294.274, ông Dương Hữu Giáo, Chủ tịch Hội.
Hoặc liên hệ Hạnh Nguyên, PV Báo Đại Đoàn Kết thường trú tại Hà Tĩnh, điện thoại: 0913.075.796. Số tài khoản: 0201000603069, Đặng Thị Hạnh, Vietcombank Hà Tĩnh.
Nội dung ghi rõ: "Bạn đọc Báo Đại Đoàn Kết hỗ trợ".