Hội nghị xúc tiến đầu tư sắp tới, Hà Tĩnh dự kiến sẽ ký kết 21 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng mức đầu tư trên 200.000 tỷ đồng.
Sáng 19/5, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Họp báo Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.
Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh diễn ra từ 26-28/5/2023 với 2 hội nghị chính có chủ đề: “Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng; Hà Tĩnh - Điểm đến tin cậy, chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích, đồng hành phát triển”.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của Hà Tĩnh được xác định là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh Phan Thành Biển, ngoài các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, địa phương đang thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ như Visip, Vingroup, Sun Group… Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, Hà Tĩnh sẽ công bố 108 danh mục các dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2030.
Đặc biệt, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, dự kiến sẽ ký kết 21 biên bản ghi nhớ hợp tác với tổng mức đầu tư trên 200.000 tỷ đồng.
Cụ thể, về phát triển đô thị, du lịch, thể thao có các dự án như: Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam; các tổ hợp dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf tại Thiên Cầm, Cẩm Dương, Kỳ Nam, Kỳ Ninh, Văn Trị; khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam của huyện Thạch Hà; các khu đô thị mới trên địa bàn TP. Hà Tĩnh…
Đối với lĩnh vực đầu tư về công nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên các dự án trọng điểm như: Tổ hợp nhà máy tinh chế thép (sản xuất thép tấm, thép cán nguội, tráng/mạ thép, thép ống, thép hình), nhà máy cơ khí chế tạo máy móc (thiết bị động lực, thiết bị nâng hạ); tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô, nhà máy chế tạo và sửa chữa đầu máy, toa xe - công nghiệp đường sắt, nhà máy đóng các loại tàu cá bằng sắt thép; nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III - Nhiệt điện khí LNG và các dự án điện gió, điện mặt trời khác.
Riêng các dự án hạ tầng công nghiệp dịch vụ, Hà Tĩnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) trong khu kinh tế Vũng Áng, khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, KCN Gia Lách, KCN Bắc Hồng Lĩnh, KCN Bắc Thạch Hà, KCN phía Tây TP Hà Tĩnh, KCN Hạ Vàng và các cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Về phát triển dịch vụ logistic, địa phương này đã quy hoạch các trung tâm logistics tại cảng Sơn Dương, KKT Vũng Áng, KKT cửa khẩu Cầu treo và huyện Đức Thọ.
Lĩnh vực nông nghiệp có các dự án như: Khu nông nghiệp ứng dụng công ngệ cao ở khu vực bãi thải thuộc dự án Thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; vùng Núi nước Nậy, thôn 3 xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang; trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở Vườn quốc gia Vũ Quang; nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đồng Môn - TP Hà Tĩnh…
Lĩnh vực giáo dục - y tế: Trường mầm non tư thục Xuân Giang - Nghi Xuân; Bệnh viện Xuân An; Trường phổ thông liên cấp - thị xã Hồng Lĩnh…
Ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như: Nhà máy xử lý nước thải tập trung ở huyện Lộc Hà; nghĩa trang vĩnh hằng ở thị xã Hồng Lĩnh; bến xe xã Sơn Phú - Hương Sơn.