Các cá thể động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm được chăm sóc đảm bảo sức khỏe trước khi thả về môi trường tự nhiên phù hợp với vùng phân bố, sinh cảnh của từng loài.
Ngày 1/7, theo nguồn tin từ Vườn Quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) cho hay, ngày 29 và 30/6, đơn vị vừa phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành tái thả nhiều động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm về môi trường tự nhiên nhằm thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Các cá thể động vật này từng được các cơ quan chức năng và người dân bàn giao cho Vườn Quốc gia Vũ Quang. Sau đó, các cá thể động vật này được chăm sóc đảm bảo sức khỏe trước khi thả về môi trường tự nhiên phù hợp với vùng phân bố, sinh cảnh của từng loài.
Các cá thể động vật hoang dã được tái thả về tự nhiên gồm: 41 cá thể rùa sa nhân (tên khoa học là Cuora mouhotii); 3 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc (tên khoa học là Cuora galbinifrons); 3 cá thể khỉ vàng (tên khoa học là Macaca mulatta); 2 cá thể khỉ mốc (tên khoa học là Macaca assamensis) và 1 cá thể kỳ đà vân (tên khoa học là Varanus nebulosus).
Theo đó, các cá thể động vật trên đều thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm có cấp độ bảo tồn từ mức VU (nguy cấp) đến mức CR (cực kỳ nguy cấp) theo phân hạng của Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Nghị định 84/2021 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Được biết, từ đầu năm đến nay Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiến hành tái thả hơn 160 cá thể động vật nguy cấp quý hiếm.
Việc tái thả động vật hoang góp phần rất lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị của hệ sinh thái rừng nơi được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Sau khi thả, Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ tiếp tục theo dõi, bảo vệ để đảm bảo an toàn cho tất cả các cá thể động vật hoang dã.