Tinh hoa Việt

Hadid, nữ kiến trúc sư đi trước thời đại

TRÚC MAI 10/11/2024 07:37

Zara Hadid, gốc Iraq, là người phụ nữ đầu tiên giành Pritzker, giải Nobel của lĩnh vực kiến trúc. Đột ngột qua đời vào năm 2016, bà để lại rất nhiều công trình mang dấu ấn cá nhân đặc sắc ở khắp các châu lục.

1(1).png
Zara Hadid tại Phòng tranh Serpentine Sackler ở London, một công trình có dấu ấn thiết kế của bà, năm 2013.

Kiến trúc sư người Anh gốc Iraq Zaha Hadid trở nên nổi tiếng với phong cách vị lai mạnh mẽ, đặc trưng với những mặt tiền cong, góc cạnh sắc nét và các vật liệu cứng như bê tông và thép. Các tác phẩm của bà khiến nhiều người bối rối khi tận mắt chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc vĩ đại: Hadid sử dụng những vật liệu bền nhất trên thế giới và chế tác chúng để tạo thành các hình khối vừa mềm mại vừa chắc chắn. Trong hai thập kỷ qua, các tác phẩm của bà đã được vinh danh bằng một danh sách dài các giải thưởng. Năm 2004, bà là người phụ nữ đầu tiên được trao Giải thưởng Pritzker danh giá nhất, được xem như giải Nobel của kiến trúc, theo Architectural Digest.

Năm 2010 và 2011, Hadid nhận Giải thưởng Stirling của Anh dành cho sự xuất sắc trong kiến trúc. Năm 2014, công trình Trung tâm văn hóa Heydar Aliyev do Hadid thiết kế, giành giải thưởng Thiết kế của năm của Bảo tàng thiết kế ở London, Anh, một trong những bảo tàng hàng đầu thế giới dành riêng cho các ngành thiết kế, bao gồm thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, kiến trúc, sản phẩm, và công nghệ.

Năm 2016, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giành Huy chương vàng RIBA uy tín trong lĩnh vực kiến trúc do Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh tổ chức.

Theo Britannica, các dự án của Hadid đã làm đảo lộn các quy ước kiến trúc, mở ra nhiều chiều kích mới trong lĩnh vực sáng tạo này. Công trình của Hadid hiện diện khắp nơi, từ Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Nga, Azerbaijan cho đến Trung Quốc.

Zaha Hadid sinh ngày 31/10/1950 tại Baghdad, Iraq. Mặc dù nổi tiếng với sự nghiệp kiến trúc sư, nhưng bà không đi theo lĩnh vực thiết kế ngay từ đầu. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hadid học tại Đại học Hoa Kỳ ở Beirut, Lebanon, lấy bằng cử nhân toán học. Năm 1972, bà đến London và vào học tại Hiệp hội Kiến trúc, một trung tâm lớn về tư tưởng kiến trúc tiến bộ trong những năm 1970. Tại đây, bà gặp các kiến trúc sư Elia Zenghelis và Rem Koolhaas, những người sau này trở thành đối tác của bà tại Văn phòng Kiến trúc Đô thị (Anh). Hadid thành lập công ty riêng của mình tại London mang tên Zaha Hadid Architects (ZHA) vào năm 1979.

2.png
Trung tâm thể thao dưới nước London.

Năm 1983, Hadid đã được công nhận trên toàn thế giới với bài dự thi thiết kế The Peak, một trung tâm giải trí và thư giãn ở Hong Kong. Thiết kế, một "tòa nhà chọc trời nằm ngang di chuyển theo đường chéo” xuống sườn đồi, đã nhấn mạnh tính thẩm mỹ của Hadid: lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Suprematism (phong trào nghệ thuật tiên phong, do nghệ sĩ người Nga Kazimir Malevich khởi xướng từ năm 1913, tập trung vào việc sử dụng các hình thức hình học cơ bản, như hình vuông, hình tròn và các đường thẳng, để tạo ra nghệ thuật trừu tượng).

Thiết kế The Peak tạo ra cảm giác phân mảnh, bất ổn và chuyển động. Phong cách này khiến Hadid được xếp vào nhóm các kiến trúc sư theo chủ nghĩa “phi kết cấu", một phân loại trở nên phổ biến nhờ triển lãm "Kiến trúc phi kết cấu" mang tính bước ngoặt được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, Mỹ năm 1988.

Thiết kế The Peak của Hadid dù giành giải thưởng nhưng đã không được hiện thực hóa, tương tự hầu hết các thiết kế cấp tiến khác của bà trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, bao gồm Kurfürstendamm (1986) ở Berlin, Trung tâm nghệ thuật và truyền thông Dusseldorf (1993) và Nhà hát Opera Vịnh Cardiff (1994) ở xứ Wales. Hadid bắt đầu được người ta gọi là "kiến trúc sư giấy", nghĩa là các thiết kế của bà quá tiên phong để thực sự được xây dựng. Ấn tượng này về Hadid càng tăng cao khi các thiết kế được thể hiện đẹp mắt - thường ở dạng các bức tranh màu có chi tiết tinh xảo - được trưng bày như tác phẩm nghệ thuật tại các bảo tàng lớn.

Dự án xây dựng lớn đầu tiên của Hadid là Trạm cứu hỏa Vitra (1993) ở Weil am Rhein, Đức. Được tạo thành từ một loạt các mặt phẳng góc cạnh, cấu trúc này giống như một chú chim đang bay. Các công trình xây dựng khác của bà trong giai đoạn này bao gồm một dự án nhà ở cho tập đoàn IBA Housing (1993) tại Berlin, không gian triển lãm Mind Zone (1999) tại Millennium Dome ở Greenwich, London và không gian triển lãm Land Formation One (1999) tại Weil am Rhein. Trong tất cả các dự án này, Hadid tỏ ra có thiên hướng yêu thích các không gian kết nối và những kiến trúc điêu khắc năng động.

Năm 2000, Hadid thiết kế công trình Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Lois & Richard Rosenthal mới ở Cincinnati, Ohio, Mỹ. Trung tâm rộng 7.900 m2, được khai trương năm 2003, là bảo tàng đầu tiên ở Mỹ do một phụ nữ thiết kế. Về cơ bản, công trình là một loạt các khối lập phương và khoảng trống theo chiều dọc, nằm ở trung tâm thành phố Cincinnati. Phía đối diện với đường phố có mặt tiền bằng kính trong suốt như mời gọi người qua đường nhìn vào hoạt động của bảo tàng và do đó đối lập với quan niệm cho rằng bảo tàng là một không gian xa xôi hoặc không hấp dẫn. Tòa nhà cong nhẹ lên trên kể từ khu vực du khách bước vào. Hadid cho biết bà hy vọng chi tiết này mô phỏng một "tấm thảm đô thị" chào đón mọi người.

Năm 2010, thiết kế bảo tàng nghệ thuật và kiến trúc đương đại MAXXI ở Rome được đánh giá là táo bạo và giàu trí tưởng tượng đã mang về cho Hadid giải thưởng Stirling của Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh (RIBA) dành cho tòa nhà đẹp nhất do một kiến trúc sư người Anh hoàn thành trong năm. Bà giành được Giải thưởng Stirling thứ hai vào năm sau cho công trình Học viện Evelyn Grace, một trường trung học ở London. Thiết kế Trung tâm văn hóa Heydar Aliyev tại Baku, Azerbaijan với nét uốn lượn, uyển chuyển giúp Hadid giành giải Thiết kế của năm của Bảo tàng Thiết kế London vào năm 2014. Bà là người phụ nữ đầu tiên giành được giải thưởng dành cho các thiết kế về kiến trúc, đồ nội thất, thời trang, đồ họa, sản phẩm và giao thông này. Các tác phẩm đáng chú ý khác của Hadid bao gồm Trung tâm thể thao dưới nước London được xây dựng phục vụ Thế vận hội Olympic 2012; Bảo tàng Nghệ thuật Eli và Edythe Broad, mở cửa năm 2012 tại Đại học Tiểu bang Michigan ở Mỹ và Tháp Đổi mới Jockey Club (2014) cho Đại học Bách khoa Hong Kong.

Những thành tựu phi thường của Hadid càng đáng chú ý hơn khi xét đến bối cảnh kiến trúc là ngành công nghiệp chủ yếu do nam giới thống trị. Những người ủng hộ bà cho rằng bà thường phải chịu nhiều tranh cãi hơn so với những đồng nghiệp nam. Bà thường bị chế giễu về thiết kế “không giống ai”. Những người ghen ghét còn “chọc ngoáy” các chi tiết về chi phí cũng như quy mô các công trình của Hadid. Khi thực hiện công trình Trung tâm Thể thao dưới nước London, Hadid đã buộc phải thu hẹp quy mô thiết kế. Hadid hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch xây dựng sân vận động quốc gia mới cho Thế vận hội Olympic 2020 tại Tokyo (sau đó Thế vận hội đã bị hoãn lại đến năm 2021 vì đại dịch COVID-19) do nổ ra biểu tình ở Nhật Bản với sự tham gia của một số kiến trúc sư địa phương nổi tiếng. Dự án do Zaha Hadid thiết kế có chi phí ước tính ban đầu khoảng 1,3 tỷ USD, nhưng sau đó tăng lên 2 tỷ USD. Việc này khiến chính phủ Nhật Bản và công chúng lo ngại về mức độ tài chính cần thiết cho dự án.

Tranh cãi tiếp tục nổ ra sau khi một bản tin năm 2014 tiết lộ rằng khoảng 1.000 công nhân nước ngoài đã tử vong do điều kiện làm việc kém tại các công trường xây dựng ở Qatar, nơi Sân vận động Al Wakrah do Hadid thiết kế dành cho World Cup 2022 sắp được khởi công. Khi được hỏi về những cái chết này, Hadid phản đối trách nhiệm của mình với tư cách là một kiến trúc sư trong việc đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và những phát biểu của bà bị coi là vô cảm. Một nhà phê bình kiến trúc của The New York Review of Books đã làm tình hình trở nên trầm trọng hơn khi ông ta vu khống rằng 1.000 người đã tử vong khi xây dựng sân vận động Al Wakrah, dù trong thực tế công trình chưa được khởi công. Hadid đã đệ đơn kiện nhà phê bình và The New York Review of Books về tội phỉ báng. Sau đó, bà chấp nhận lời xin lỗi và quyên góp số tiền không được tiết lộ cho một tổ chức từ thiện bảo vệ quyền lao động.

Trong suốt sự nghiệp, Hadid đã dạy về kiến trúc ở nhiều nơi, bao gồm Đại học Harvard, Đại học Chicago và Đại học Yale. Bà cũng thiết kế đồ nội thất, đồ trang sức, giày dép, túi xách, không gian nhà hàng và bối cảnh sân khấu, đặc biệt là bối cảnh cho vở nhạc kịch Così fan tutte của Wolfgang Amadeus Mozart do dàn nhạc Los Angeles Philharmonic sản xuất năm 2014.

Đột ngột qua đời vì một cơn đau tim trong khi đang điều trị viêm phế quản, Hadid đã để lại một số dự án dang dở. Ngoài Giải thưởng Pritzker và Giải thưởng Stirling, Zara Hadid còn nhận nhiều giải thưởng danh giá khác như Praemium Imperiale của Hiệp hội nghệ thuật Nhật Bản dành cho kiến trúc (năm 2009) và Huy chương vàng Hoàng gia dành cho kiến trúc (năm 2016), danh hiệu cao quý nhất của RIBA. Hadid là thành viên của Ban cố vấn của Bách khoa toàn thư Vương quốc Anh (2005–2006). Năm 2012, bà được phong làm Dame Commander of the Order of the British Empire (DBE), danh hiệu cao quý được Nữ hoàng Anh hoặc người đứng đầu nhà nước Anh trao tặng để vinh danh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong các lĩnh vực như nghệ thuật, khoa học, từ thiện, và các dịch vụ công ích khác. Đây là một trong những cấp bậc cao nhất của Huân chương Đế chế Anh (Order of the British Empire).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hadid, nữ kiến trúc sư đi trước thời đại