Sáng 2/5, bác sỹ Nguyễn Đình Qui, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này vừa cấp cứu kịp thời hai bệnh nhi bị sốc thuốc do uống nhầm thuốc trong khi chơi trò chơi đóng giả bác sỹ-bệnh nhân.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN).
Ngày 25/4, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận hai bệnh nhi là Hoàng K.A và Phan Đ.K (đều 4 tuổi, ngụ quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) trong tình trạng nguy kịch do sốc thuốc.
Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc chơi trò bác sỹ-bệnh nhân, 2 cháu đã chia nhau 5-6 viên thuốc có thành phần Diacerhein 50mg (một loại thuốc kháng viêm không Steroid, chỉ định trong điều trị viêm, thoái hóa khớp) để uống.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sỹ đã nhanh chóng súc rửa dạ dày và cho bệnh nhi uống than hoạt để hấp thụ dược chất ra ngoài.
Sau 13 giờ được cấp cứu, các bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.
Các bác sỹ cho biết hiện tượng ngộ độc, sốc thuốc do uống nhầm thuốc tây ở trẻ em rất phổ biến. Khi trẻ uống nhầm thuốc, phụ huynh cần bình tĩnh, tránh hoảng loạn, tìm hiểu xem trẻ uống nhầm thuốc gì, liều lượng bao nhiêu. Sau đó, người nhà cần tìm cách móc họng trẻ để trẻ nôn một phần thuốc đã uống ra ngoài nhằm ngăn chặn bớt quá trình thuốc hấp thụ; đồng thời cho trẻ uống nhiều nước ấm nhằm làm sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc.
Trong trường hợp trẻ hôn mê, co giật, không nên gây nôn; sau sơ cứu ban đầu, cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện ngay để được các bác sỹ tiếp tục cấp cứu, giải độc.
Khi đưa trẻ đến bệnh viện, cần mang theo vỏ loại thuốc mà trẻ đã uống nhầm để các bác sỹ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
Để tránh trường hợp trẻ uống nhầm thuốc, phụ huynh cần để thuốc trên cao và ngoài tầm với của trẻ; đóng nắp an toàn tất cả mọi loại thuốc, vứt bỏ thuốc không sử dụng hoặc đã hết hạn sử dụng...