Trong tháng 2/2024, có nhiều chính sách mới có hiệu lực. Trong đó, riêng với ngành Giáo dục có hai điểm mới. Một là, các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa. Và hai là, bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Đây là những vấn đề quan trọng từng nhận được nhiều ý kiến trong thời gian qua.
Vấn đề thứ nhất: Từ ngày 12/2/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa (SGK) cho các cơ sở giáo dục (trước đây là UBND cấp tỉnh). Theo đó, mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng lựa chọn SGK do Hiệu trưởng (hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục) quyết định thành lập. Việc lựa chọn SGK bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.
Giao việc chọn SGK về trường nhằm sát với yêu cầu thực tế, đồng thời tăng trách nhiệm của Hiệu trưởng cũng như Hội đồng chọn SGK của trường. UBND cấp tỉnh chỉ đưa ra quyết định phê duyệt danh mục SGK do các cơ sở giáo dục lựa chọn. Việc này cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của các trường phải cao hơn, chịu trách nhiệm hoàn toàn với sự lựa chọn của mình khi đó là sự chọn lựa độc lập không có sự áp đặt từ cấp trên.
Một điểm đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng khi giao quyền lựa chọn SGK cho cơ sở giáo dục thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và Hội đồng phải được thể hiện rõ; không để các yếu tố lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm ảnh hưởng kết quả lựa chọn SGK. Nhà trường nên chọn giáo viên uy tín, chuyên môn cao, nắm vững chương trình học, thành lập một hội đồng để tuyển chọn. Như vậy sẽ tránh được tình trạng “chín người mười ý”.
Vấn đề thứ hai: Bỏ xếp loại, được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần trong năm có học sinh học hết lớp 9 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024), áp dụng với học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) bắt đầu từ năm học 2024 - 2025. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới. Trong khi trước đây, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS chỉ được xét tốt nghiệp 1 lần trong năm.
Theo quy định mới, từ năm học tới, học sinh hoàn thành chương trình THCS sẽ được cấp bằng tốt nghiệp nhưng không ghi loại giỏi, khá hay trung bình như trước.
Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp do Trưởng phòng GDĐT ra quyết định thành lập theo đề nghị của cơ sở giáo dục; gồm ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm lớp 9, đại diện bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoặc Tổng phụ trách Đội. Thành viên của hội đồng có ít nhất 7 người, phải là số lẻ.
Về vấn đề này, một số ý kiến lo lắng việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS có ảnh hưởng đến thi lớp 10 hay không? Và việc xét tốt nghiệp có thể có yếu tố cảm tính dẫn đến thiếu khách quan hay không?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chính là điểm tích cực trong quá trình đổi mới của ngành Giáo dục. Vì thực tế thì hiện cả nước đã đang thực hiện phổ cập THCS và tất cả học sinh tốt nghiệp THCS đều được tham gia dự thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập. Thật sự thì việc xếp loại cũng không ảnh hưởng đến học sinh vì bằng tốt nghiệp THCS cũng chỉ là hình thức công nhận học sinh đã hoàn thành bậc học mà thôi.
Nền giáo dục nước nhà đang trong quá trình đổi mới, vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Thay đổi chọn SGK và xét công nhận THCS là phù hợp với thực tế, đồng thời cũng là việc phân quyền về cơ sở, mà ở đây là nhà trường. Các cơ sở giáo dục không cần phải đợi “cầm tay chỉ việc”, mà chính mình sẽ ra quyết định. Tất nhiên, quyết định đó là rất hệ trọng, vì đối với việc dạy và học không thể là một cuộc thí nghiệm, cứ làm, sai thì sửa.
Nếu như nhà trường đóng vai trò chủ chốt trong việc học sinh của mình học sách gì, lại bị chi phối bởi lợi ích; hay là xét tuyển tốt nghiệp THCS theo kiểu “cả trường cùng vui” thì những quy định mới dẫu có rất tích cực đi chăng nữa cũng sẽ bị ảnh hưởng, mất ý nghĩa.
Khi đã được phân cấp, phân quyền thì phải làm đúng, công tâm, minh bạch. Chỉ có như vậy mới không muốn nhận lại hệ quả trái ngược.