Các công trình xây dựng trái phép lấn chiếm bờ sông trên tuyến đường Bạch Đằng (khu phố 2, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, Hải Dương) vừa mới có phương án xử lý. Việc này chưa giải quyết xong, thì Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông Nghiệp đã tự ý cho thuê đất trụ sở thời hạn 30 năm mà không báo cáo chính quyền địa phương.
Theo văn bản báo cáo số 38/BC-UBND ngày 26/10/2022 của UBND thị trấn Kẻ Sặt về việc kiểm tra, xử lý vi phạm công trình thuỷ lợi thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn thị trấn Kẻ Sặt, ngày 25/9/2022 UBND thị trấn Kẻ Sặt đã lập dự thảo kế hoạch tháo dỡ phần lấn chiếm lòng sông đối với các vi phạm mới phát sinh sau ngày 16/5/2022. Đối với các công trình đã tồn tại từ trước ngày 16/5/2022, UBND thị trấn Kẻ Sặt sẽ tiếp tục lên phương án giải tỏa.
Việc giải toả các công trình sai phạm đã được UBND thị trấn Kẻ Sặt làm kịp thời, tránh gây nhức nhối trong nhân dân cũng như dư luận. Tuy nhiên, việc này chưa xong thì tiếp tục có những phản hồi về công tác quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn Kẻ Sặt.
Cụ thể, ngày 18/3/2021, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp thị trấn Kẻ Sặt cùng các thành viên Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp, bao gồm: ông Vũ Khắc Diệp, ông Vũ Đình Bình, ông Đào Xuân Phương và bà Phạm Thị Tý đã ký hợp đồng cho thuê nhà thường trực đối với ông Đào Văn Bộ với thời hạn 30 năm. Giá được ghi trên hợp đồng là 1,5 triệu đồng/tháng và thu tiền 1 lần, tổng số tiền 540 triệu đồng. Theo như hợp đồng này, bên thuê có trách nhiệm sửa chữa phần hư hỏng do nhà thường trực đã cũ, xuống cấp.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp về vấn đề trên, ông cho biết: “Ban đầu tôi định cho thuê, nhưng sau tôi lại thôi, không cho thuê nữa rồi. Tôi đã hủy hợp đồng đi rồi. Đối với nhà xây lại, một phần là kinh phí của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp, một phần tôi huy động ngoài. Đối với phiếu thu tiền, tôi cũng đã làm biên bản hủy”.
Mặc dù ông Nguyễn Văn Hùng giải thích vậy, tuy nhiên ông Quách Công Thọ, Bí thư Thị trấn Kẻ Sặt cho biết: “Đối với cơ sở vật chất và quản lý thì UBND có vai trò chính. Đối với quan điểm của địa phương, đầu năm 2021, Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp đã lên xin chủ trương về việc xây mới, tôi đã ý kiến luôn về việc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp báo cáo UBND và UBND báo cáo Thường vụ Đảng uỷ. Biết được trụ sở đã tháo dỡ trước khi xin chủ trương thì Đảng uỷ cũng sẽ không nhất trí, do việc này Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp đã tự ý làm không xin phép. Đến thời điểm này, Đảng ủy thị trấn cũng như UBND chưa hề nắm được bất kỳ chủ trương nào liên quan đến việc cho thuê trụ sở Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp, việc này tôi khẳng định”.
Để làm rõ hơn những nội dung trên, phóng viên đã liên hệ với ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt, ông Lâm cho biết: “Việc cho thuê là cho thuê “chui”, không hề báo cáo UBND thị trấn. Đối với trường hợp này, ai sai đến đâu tôi xử lý đến đấy. Việc xây lại cũng phải xin tất cả thủ tục và phải xây lại đúng nền móng cũ. Việc lập hợp đồng cho thuê và đã có phiếu thu tôi chưa nhìn thấy, tôi sẽ cho kiểm tra lại. Nhưng nếu đã có hợp đồng và có phiếu thu là vi phạm và cố tình; phải chịu trách nhiệm, không có chuyện lập hợp đồng, phiếu thu rồi hủy là hủy”.
Đã gần 2 năm kể từ khi hợp đồng cho thuê của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp thị trấn Kẻ Sặt được lập ra, nhưng đến nay lãnh đạo UBND thị trấn Kẻ Sặt vẫn chưa nắm rõ được sự việc. Sự việc mới chỉ được lãnh đạo địa phương nắm bắt ở việc “nghe nói” và “thấy bảo”.
Đến căn cứ được ghi trong hợp đồng cũng “cẩu thả”, khi áp dụng “Nghị định số 90/2008 HĐ-CP, ngày 6/9/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật nhà ở”, trong khi thực tế Nghị định số 90/2008 là Nghị định chống thư rác.