Kinh tế

Hải Phòng: 'Bứt phá' nhờ Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị

Phương Thanh 02/08/2024 17:07

Ngày 2/8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về 'Xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.

Kim chỉ nam cho TP Cảng

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị (gọi tắt là Nghị quyết 45), nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành; nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn. Vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Hải Phòng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định.

5.jpg
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Theo thống kê, quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 7.800 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc.

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thành phố có những bước phát triển đột phá. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế được quan tâm, nhất là các chính sách vượt trội như: Miễn học phí cho học sinh các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các chế độ, chính sách cho người có công, người có hoàn cảnh khó khăn đều thuộc nhóm cao của cả nước.

Hải Phòng phấn đấu cuối năm 2024 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm; đến năm 2025, 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

8(1).jpg
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu nhận định: Nghị quyết 45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu nhận định: Nghị quyết 45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hải Phòng từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước.

13(1).jpg
Nhà máy sản xuất ôtô Vinfast được xây dựng tại huyện Cát Hải, Hải Phòng.

Tuy nhiên, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu thẳng thắn nhận định vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 45 gồm cả khó khăn nội tại và khó khăn thuộc về cơ chế chung. Trong đó, phải kể đến Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải hiện nay đã lấp đầy khoảng hơn 80% đất công nghiệp, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp tiến độ còn chậm, nên dư địa để thu hút đầu tư còn ít, không đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn. Hệ thống cơ chế chính sách đặc thù, thúc đẩy phát triển còn khá khiêm tốn. Sự đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn chưa tương xứng với nhu cầu.

Đề xuất thêm các chính sách đặc thù

Năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với TP Hải Phòng và các bộ, ngành liên quan xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15 về "thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng"đối với 3 lĩnh vực: quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, còn một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho TP Hải Phòng chưa được ban hành như: Thành lập Khu thương mại tự do; Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính; Nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng…

9(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, ý kiến của các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành Trung ương đều có chung nhận định, dù đạt được nhiều thành tựu trong 5 năm qua nhưng Hải Phòng vẫn chưa đạt được kỳ vọng trong lộ trình phát triển.

Phần diện tích quy hoạch xây dựng KKT phía Nam Hải Phòng. Ảnh: Ban Quản lý KKT Hải Phòng.
Hải Phòng vừa hoàn thành Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trình Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương.

Để phát triển Hải Phòng theo mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết 45, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố trong giai đoạn tới; trọng tâm là cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Phòng: 'Bứt phá' nhờ Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị