Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hải Phòng vừa có văn bản chấp thuận dừng hoạt động đối với hai dự án đầu tư chế biến rau củ quả, chế biến thịt lợn xuất khẩu với tổng mức đăng ký đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Kỳ vọng lớn
Tháng 12/2009, Hải Phòng cấp Giấy biên nhận đầu tư (đối với dự án đầu tư trong nước không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đầu tư) cho Cty TNHH Quang Trung (trụ sở tại phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) được thuê hơn 23.000 m2 đất tại phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) để đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu thịt lợn với công suất lên tới 2.000 tấn/năm. Theo Giấy biên nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có thời hạn 2 năm hoàn thiện các thủ tục thuê đất, có 15 tháng xây dựng nhà máy. Tháng 5/2011, nhà máy phải đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, sau khi hết hạn hoàn thiện các thủ tục thuê đất và xây dựng nhà máy, dự án vẫn không được triển khai. Theo xác định từ cơ quan chức năng TP Hải Phòng, sau khi được thuê đất, Cty TNHH Quang Trung đã không thực hiện dự án, không đưa đất vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai, vi phạm quy định Luật Đầu tư, Luật Đất đai.
Một dự án nông nghiệp khác cùng số phận đó là Dự án Nhà máy chế biến rau củ quả Haphofood. Tháng 4/2019, UBND TP Hải Phòng có quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy chế biến rau, củ quả Haphofood tại Khu công nghiệp Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng). Theo đó, Công ty TNHH Haphofood (thuộc Công ty cổ phần đầu tư Tân Thành Holdings, trụ sở tại TPHCM) được thuê 15,46 ha đất tại Khu công nghiệp Tiên Lãng để xây dựng Nhà máy chế biến rau, củ quả tươi, đông lạnh, sấy, muối chua, đóng hộp, nước ép đóng lon có công suất dự kiến 150.000 tấn nguyên liệu/năm. Nhà máy có tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng (trong đó vốn cố định 400 tỷ, vốn lưu động 1.400 tỷ đồng). Dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 1/2022.
Thế nhưng, hơn 2 năm sau khi khởi công, tháng 9/2021 chủ đầu tư dự án đã có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng xin được dừng dự án.
Lãng phí nguồn lực đất đai
Khi cấp giấy biên nhận đầu tư với dự án chế biến thực phẩm, TP Hải Phòng đã kỳ vọng Nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu thịt lợn sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đưa sản phẩm thịt lợn ra thị trường quốc tế, tạo thêm lối ra cho thị trường lợn nuôi. Thế nhưng kết quả là, 10 năm sau, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, 23.000 m2 đất ở khu vực trung tâm bị bỏ hoang gây lãng phí.
Cũng giống như với nhà máy chế biến thực phẩm nêu trên, khi thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy chế biến rau củ quả Haphofood, thành phố đã kỳ vọng, Nhà máy với dây chuyền công nghệ hiện đại sẽ giúp ngành nông nghiệp của Hải Phòng phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế. Theo lý giải từ chủ đầu tư, khi vừa bắt đầu triển khai, đại dịch Covid-19 diễn ra gây ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất chế biến và xuất khẩu nông sản. Chủ đầu tư đã hơn một lần phải thay đổi từ Công ty CP Lavifood (chủ đầu tư đầu tiên) sang Công ty CP Tân Thành Holdings (chủ đầu tư hiện tại). Tuy nhiên, việc thay đổi chủ đầu tư cũng không thành công như mong đợi, bởi vậy, chủ đầu tư xin được dừng thực hiện dự án.
Sau hơn hai năm được phê duyệt chủ trương đầu tư, được thuê đất, Dự án xây dựng Nhà máy chế biến rau củ quả mới chỉ có tường rào và hơn 14 ha đất trong Khu công nghiệp Tiên Lãng bị bỏ hoang. Trước đề xuất của chủ đầu tư và tình hình thực tế, thành phố Hải Phòng đã chấp thuận cho chủ đầu tư được dừng thực hiện dự án.
Việc phải chấm dứt hoạt động đầu tư đối với các dự án nêu trên cũng đặt ra nhiều câu hỏi trong công tác thẩm định, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư trên địa bàn TP Hải Phòng.
Lựa chọn chủ đầu tư không đúng cũng là “thủ phạm” chính gây lãng phí tài nguyên đất; các dự án không được triển khai làm mất cơ hội tạo việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội của địa phương.