TP Hải Phòng vừa lấy ý kiến về cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trên địa bàn. Mục tiêu nhằm xác định rõ trách nhiệm các cơ quan quản lý trong hỗ trợ nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Theo dự thảo, cơ chế phối hợp, quản lý, hỗ trợ nhà đầu tư được xác định trên nguyên tắc phối hợp từ thủ tục đầu tư, quản lý các hoạt động đầu tư và trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầu tư giữa các sở, ngành với UBND các quận, huyện.
Cơ chế phối hợp, quản lý, hỗ trợ nhà đầu tư cũng xác định phối hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và đăng ký đầu tư và phối hợp quản lý nhà nước trong quá trình nhà đầu tư triển khai dự án. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn có nghĩa vụ, trách nhiệm phối hợp quản lý giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư phát sinh trong quá trình thực hiện dự án và giám sát, đánh giá hiệu quả của nhà đầu tư.
Trong các quy định này, hoạt động phối hợp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và đăng ký đầu tư có những quy định cụ thể như đối với dự án thuộc diện chấp thuận đầu tư của cấp thành phố, trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ của nhà đầu tư, Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) phải xin ý kiến thẩm định về chấp thuận đầu tư; trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ phải có thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư, trình thành phố phê duyệt. Trong thời hạn 15 ngày, các cơ quan được Sở KH&ĐT lấy ý kiến phải có văn bản thẩm định đầu tư…
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, dự án đầu tư trong nước không thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đủ điều kiện. Trong trường hợp cần phải xin ý kiến cơ quan liên quan, trong thời hạn 3 ngày, Sở KH&ĐT phải gửi văn bản tham vấn đến cơ quan liên quan. Các cơ quan được tham vấn có thời hạn 5 ngày để trả lời bằng văn bản ý kiến tham vấn.
Đối với dự án của nhà đầu tư nước ngoài, trong 15 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chứng nhận đăng ký cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tương tự, Hải Phòng cũng quy định thời hạn cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước trong thủ tục hành chính đối với các loại hình đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp nhận được đề nghị tham vấn về lĩnh vực quản lý chuyên ngành, các cơ quan liên quan có 5 ngày làm việc để trả lời tham vấn. Quá thời hạn trên, cơ quan được tham vấn không có văn bản tham gia ý kiến thì coi như cơ quan đó đã đồng ý và chịu trách nhiệm về nội dung lĩnh vực chuyên ngành được hỏi ý kiến.
Bên cạnh đó, UBND cấp quận, huyện nơi có tổ chức kinh tế được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp có trách nhiệm cung cấp thông tin về hiện trạng hoạt động của doanh nghiệp, trả lời văn bản tham vấn về các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý đối với hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định…
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long, giai đoạn 2020 – 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020 – 2025 là 1.200.000 tỷ đồng (tương đương 240.000 tỷ đồng/năm). Trong đó thu hút vốn đầu tư FDI là 12,5 – 15 tỷ USD (tương đương từ 2,5 – 3 tỷ USD/năm. Hải Phòng xác định để thu hút được nguồn vốn đầu tư, nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển cần quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Giám đốc Sở KH&ĐT Hải Phòng thông tin thêm, việc quy định quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trên địa bàn cần thiết, góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2025, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn.