Tháng Tám này với những người lính hải quân là những ngày đẹp nhất - những ngày mà trong ký ức mỗi người là kỷ niệm, là hồi ức của trận đầu đánh thắng (ngày 2 và 5/8/1964) tàu chiến Mỹ. Năm nay, Quân chủng Hải quân kỷ niệm 55 năm chiến thắng trận đầu, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển rất vẻ vang với những chiến công hiển hách, càng tự hào về những chiến sỹ Hải quân kiên cường của đất nước.
Hải quân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới bộ đội Hải quân. Ngày 30/3/1959, Người đến thăm, nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ Trường Huấn luyện bờ biển và Xưởng 46, Người yêu cầu phải coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy, chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đơn vị; giáo viên, học viên của trường thực hiện dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng tiếp thu kỹ thuật tàu thuyền. Đến thăm trận địa pháo trên đảo Hòn Rồng làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Hạ Long (ngày 31/3/1959), Người ân cần khuyên nhủ cán bộ, chiến sĩ cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, tích cực học tập chính trị, quân sự, văn hóa, tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống.
Lịch sử ghi lại vào một ngày tháng 3/1961, Bác Hồ đến thăm bộ đội Hải quân lần thứ hai. Sau khi nghe lãnh đạo Cục Hải quân báo cáo về những tiến bộ của lực lượng Hải quân những năm qua, Người căn dặn: “Bờ biển của ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Vừa qua các chú đã khắc phục khó khăn, đạt được một số thành tích bước đầu, Bác khen nhưng chớ chủ quan thỏa mãn, phải cố gắng tiến bộ nhiều hơn nữa”.
Những lời dặn ấy của Người đã thấm sâu vào trong trái tim mỗi chiến sỹ hải quân. Với tinh thần ấy, ý chí ấy, ngày 2 và 5/8/1964, mặc dù lực lượng còn non trẻ và vũ khí trang bị lạc hậu nhưng Hải quân ta đã dũng cảm đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển miền Bắc. Không phải chỉ có tàu khu trục Maddox hiện đại bậc nhất của đế quốc Mỹ phải nhận thất bại, mà với sự phối hợp của lực lượng phòng không cùng nhân dân các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, Quân chủng Hải quân non trẻ đã đập tan cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” của đế quốc Mỹ, bảo vệ vùng biển, vùng trời miền Bắc. Thắng lợi trận đầu ấy đã được Hồ Chủ tịch khen: “Các chú đã lập được thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua. Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc. Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt”. Thắng lợi ấy chứng tỏ tinh thần “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” của quân và dân ta nói chung, Quân chủng Hải quân nói riêng. Thắng lợi trận đầu ấy chính là chiến thắng của sự quyết tâm, sự vượt qua khó khăn gian khổ của quân và dân ta. Thắng lợi ấy cũng chính là sự thể hiện cao nhất tinh thần của toàn dân tộc và có ý nghĩa to lớn trong toàn cục của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược thời điểm đó. Nó cũng giúp hun đúc tinh thần ý chí chiến đấu, chiến thắng của quân và dân miền Bắc cũng như có ý nghĩa động viên to lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với việc đập tan mưu đồ đánh phá miền Bắc, Hải quân Việt Nam cũng đã đánh chìm, đánh hỏng, bắn cháy hàng trăm tàu chiến và máy bay địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá sự phong tỏa đường biển, mở đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam, tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc tháng 4/1975.
Lịch sử dân tộc ghi nhận có nhiều cuộc chiến của kẻ thù bên ngoài sử dụng đường biển làm hướng tiến công chủ yếu xâm lược nước ta nhưng kể từ thời cha ông đến nay chúng ta đã giành được nhiều chiến công vang dội trên chiến trường sông biển. Và chiến thắng trận đầu vào ngày 2 và 5/8/1964 đã thêm một mốc son chói lọi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong những chiến thắng ấy, đặc biệt là các chiến thắng của các chiến sỹ Hải quân Nhân dân chúng ta đã ghi nhận, biết ơn các liệt sỹ ngã xuống cho bình yên biển đảo. Nếu ai đã một lần dự lễ tưởng niệm những người anh hùng hy sinh ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam sẽ hiểu hơn, cảm nhận rõ hơn những mất mát ấy lớn lao, vĩ đại đến nhường nào.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển đảo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Từ những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ XX đến nay, Biển Đông vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ, những yếu tố gây mất ổn định do các yêu sách tranh chấp chủ quyền và nguồn lợi biển hết sức phi lý của một số quốc gia đã khiến vùng biển này chưa thực sự bình yên. Bởi vậy, để xây dựng Hải quân Nhân dân đủ mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế, ngăn chặn hiệu quả mọi mưu đồ tấn công Tổ quốc ta từ biển, Hải quân Việt Nam cần nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng vận dụng thật tốt đường lối ấy vào từng hoàn cảnh cụ thể; xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.