Đến hẹn, cứ vào mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, các nhà sản xuất lại cho ra mắt các sản phẩm hài. Tuy nhiên, xen lẫn những món ngon được đầu tư công phu, bài bản thì khán giả không khỏi phiền lòng bởi những sản phẩm hài có nội dung đơn điệu, nhạt nhẽo.
“Đại gia chân đất 7” bị khán giả đánh giá là có nhiều hình ảnh phản cảm.
Nhà nhà làm hài
Dạo qua một loạt các dự án hài Tết vừa chính thức phát hành, có thể thấy dù nạn băng đĩa lậu đang làm ảnh hưởng lớn tới doanh thu nhiều nhưng không vì thế thị trường hài Tết mất đi tính sôi động.
Đơn cử, đạo diễn Bình Trọng tiếp tục cho ra đời hai phim là “Đại gia chân đất 7” và “Làng ế vợ 3”. Cả hai phiên bản mới trong năm 2017 vẫn có sự góp mặt của những gương mặt quen thuộc như NSƯT Tiến Quang, NSND Trung Hiếu, nghệ sĩ Kim Xuyến, nghệ sĩ Chiến Thắng… Đặc biệt, ở “Làng ế vợ 3” nhà sản xuất cũng khá “chịu chơi” khi sang tận Nga để quay hình.
Hay nghệ sĩ Công Vượng tiếp tục thực hiện 2 đĩa hài “Cưới đi kẻo ế” (tiếp nối phim “Cưới đi kẻo Tết” 2015) và dự án Gala Tết Vạn lộc 2016. Thậm chí, để tìm được những gương mặt mới cho phim hài “Cưới đi kẻo ế”, nghệ sĩ Công Vượng còn tổ chức hẳn một ngày casting diễn viên.
Không những vậy, thị trường hài Tết 2017 cũng ghi nhận sự ra tăng cả về số lượng bởi sự vào cuộc của nhiều đạo diễn và diễn viên mới tham gia. Đạo diễn Mai Hồng Phong và biên kịch Doãn Tâm trình làng đĩa hài “Ra phố tìm con”. Đạo diễn Phạm Đức Dũng “đổi gió” với đĩa hài “Tết này con ở đâu?”.
Hay đĩa hài “Ván cờ vồ - Bí tịch thất truyền” với sự tham gia của NSƯT Công Lý đã có cách làm khá mới mẻ với chủ đề võ thuật. Ngoài ra, thị trường hài Tết năm nay cũng đánh dấu sự xuất hiện của một số tên tuổi mới như: Lê Thị Dần - người gây ấn tượng với khán giả chương trình “Thách thức danh hài”; ca sĩ chuyển giới Lâm Chi Khanh, diễn viên truyền hình phía Nam Tường Vy trong phim hài “Enter”; diễn viên trẻ Đỗ Duy Nam phim hài “Bờm”; NSƯT Đức Khuê trong “Chôn nhời 4”; Cẩm Nhung trong “Làng ế vợ 3”; diễn viên Trương Phương trong “Ván cờ vồ – Bí tịch thất truyền”, MC Thảo Vân đóng “Cưới đi kẻo ế”…
Nỗi lo hài nhảm
Có thể thấy, trong khi các xu hướng hài kịch chuyển hướng sang truyền hình, thì nghệ sĩ phía Bắc vẫn bám trụ với sản phẩm đĩa hài truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh những tranh cãi về việc chất lượng các tác phẩm thì cũng hoan nghênh sự cố gắng của các nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Bình Trọng chia sẻ: “Bên cạnh việc phải “đồng hành” với nạn băng đĩa lậu thì hiện nay các nghệ sĩ vẫn còn có kênh Youtube giúp họ có thể sống được với các sản phẩm”. Theo nghệ sĩ Bình Trọng, khảo sát của đoàn làm phim cho thấy các sản phẩm hài Tết ở vùng nông thôn, vẫn “chuộng” và coi việc xem đĩa hài ngày Tết như một thói quen.
Khi được hỏi hầu hết bà con vẫn coi đây “món ăn” không thể thiếu, mà còn bởi các đạo diễn cũng không muốn “buông” những sản phẩm đã trở thành thương hiệu của mình.
“Vấn đề mà các nhà sản xuất hiện nay phải chấp nhận là Luật Bản quyền ở nước ta chưa nghiêm. Có người còn gọi chuyện đĩa thật sống chung với đĩa lậu là quy luật tất yếu của thị trường hài Tết, với mối quan hệ “cộng sinh”. Bởi sản phẩm càng nhiều đĩa lậu, chứng tỏ sản phẩm đó hay và dễ dàng hơn trong việc đi kêu gọi tài trợ”, đạo diễn Bình Trọng cho hay.
Nhưng điều đáng lo ngại mà năm nào cũng phải nhắc đi nhắc lại chính nội dung các đĩa hài Tết vẫn bị phải ứng gay gắt của khán giả cả nội dung lẫn trang phục của diễn viên cả. Bên cạnh nội dung đa phần các đĩa hài Tết năm nay đều tiếp nối lối khai thác cũ với những câu chuyện dở khóc dở cười phía sau luỹ tre làng của đám trai làng ế vợ, thói hám danh - hám lạ của những kẻ “trưởng giả học làm sang”, những câu chuyện bi hài về phẫu thuật thẩm mỹ, sự đổi thay của những người dân ở thôn quê khi lên thành thị, những người trẻ mải mê chạy theo mạng ảo rồi ảo tưởng về bản thân…
Thực tế, nhiều tiểu phẩm hài có những lời lẽ khá “sốc” khiến nhiều khán giả phải nhăn mặt khi xem. Thậm chí trong nhiều đĩa hài Tết mặc dù các đạo diễn đã cố diễn tả nội dung hết “đời thường” nhưng với ngôn ngữ hài dường như khó tránh được những từ ngữ thô thiển, chợ búa. Đáng ngại hơn nữa là trong các đĩa hài Tết, những yếu tố nhạy cảm cũng được các đạo diễn cài cắm khá nhiều.
Đơn cử, phiên bản tập 7 “Đại gia chân đất” thực tế với kịch bản đã đóng khung về cuộc sống ăn chơi của các đại gia không khỏi làm nhiều khán giả “đỏ mặt”. Ở đó, hình ảnh những cô gái với thân hình nóng bỏng, ăn chơi… không khỏi làm nhiều phụ huynh có con nhỏ nghi ngại khi xem sản phẩm.
Nói như NSƯT Quốc Anh: “Riêng về hài phải sạch, ngôn từ phải sạch thì mới cho ra thị trường. Tác phẩm hài không sạch, sẽ gieo cho các cháu thiếu nhi những ngôn từ kém thẩm mỹ và điều đó không thể chấp nhận được”.