Hai thế hệ anh hùng trong một gia đình

Ảnh: Hoàng Long 22/10/2015 17:36

Đại tá Từ Đễ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam tự hào có một người cha là Anh hùng Lao động Từ Giấy và ngày 22-10, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Đại tá Từ Đễ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng
danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân

Những kỳ tích trên không

Bốn mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá Từ Đễ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ở tuổi 66, Đại tá Từ Đễ trông trẻ trung, vóc dáng cao lớn không kém gì một tráng niên, đúng với phẩm chất của một “lính trời”.

Trong ngày vui này, tại Hội trường Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, những kỷ niệm về một thời đạn lửa lại sống dậy. Những người lính già vẫn còn nhớ như in hình ảnh những chuyên gia Liên Xô trong mắt thán phục khi Anh hùng Từ Đễ chỉ huy phi công cất cánh từ đường băng phụ tại sân bay Kép (Bắc Giang). Đêm 18-12-1972, máy bay F111 của Mỹ gầm rú xé nát bầu trời và phá hỏng sân bay để cản đường máy bay ta xuất kích tấn công pháo đài bay B52. Đến ngày 19-12, đường băng phụ được sửa xong. Đường băng chỉ dài 900 mét và rộng 16 mét. Cất cánh ban ngày được đã khó. Cất cánh ban đêm gần như không thể.

Nhận lệnh xuất kích, chàng trai Từ Đễ đưa máy bay ra đường băng trong quyết tâm bảo vệ bầu trời Thủ đô, nhưng lòng căng thẳng cao độ. Một sơ suất rất nhỏ, máy bay có thể chệnh đường băng, cũng có thể chạy hết đường băng mà không thể cất cánh... Lửa từ đuôi chiếc máy bay phản lực phụt ra đỏ rực trong đêm tối. Dưới mặt đất, các chuyên gia quân sự của Liên Xô lẫn đồng đội của Từ Đễ thấy thời gian dài như vô tận. Luồng lửa vẫn không chịu rời mặt đất. Một, hai, ba... gần hết đường băng rồi. Tim mọi người thắt lại. Đúng lúc ấy, luồng lửa phụt ra vẫn còn trên mặt đất, nhưng chiếc máy bay đã vọt lên... Chuyến xuất kích đã tạo nên sự bất ngờ cho quân địch, góp phần cản trở những toan tính của chúng khi không kích Hà Nội. Sau này, ông còn vinh dự được tham gia trận không kích quyết định của lực không quân, khi đánh vào tận sào huyệt của địch là sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi thu được những chiếc máy bay của địch, chiều ngày 28-4-1975, ta đã tổ chức một phi đội 5 chiếc máy bay A37 từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) tập kích sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là một đòn chí mạng, nhằm làm tê liệt không quân của Việt Nam Cộng hòa, đồng thời, đập tan ý chí phản kháng của bộ máy đầu não địch. Trận đánh thành công mỹ mãn với 24 chiếc máy bay và nhiều sinh lực địch bị tiêu diệt. Cả năm chiếc máy bay trở về an toàn. Điều thần kỳ ở trận đánh đó là thông thường để học được cách chuyển lái máy bay thành thạo phải mất 3 tháng, nhưng với tinh thần "thần tốc", Từ Đễ và các phi công chỉ có 5 ngày làm quen và với 90 phút bay thử nghiệm.

Sau này, Đại tá Từ Đễ trở thành Phó Cục trưởng Cục Quân huấn QĐND Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp trong biên soạn lịch sử, diễn biến hơn 350 trận không chiến của không quân Việt Nam, để lại những kinh nghiệm, bài học quý cho thế hệ sau.

Anh hùng cha - Anh hùng con

Đại tá Từ Đễ không giấu được vẻ bùi ngùi, xúc động khi nhận danh hiệu cao quý. Ông chia sẻ: “Có được những thành tích trong chiến đấu là nhờ sự kiên trì rèn luyện, nhờ sự hỗ trợ của các đồng đội, nhưng trước hết, chính là nhờ gia đình. Đó là cha tôi, người đã dạy cho chúng tôi phải biết phấn đấu, học tập một cách độc lập từ tấm bé. Đó là người vợ âm thầm hy sinh để chồng yên tâm phấn đấu, yên tâm đánh địch”.

Cụ thân sinh Đại tá Từ Đễ là Giáo sư Từ Giấy, một người con ưu tú của dòng họ Từ làng Khê Hồi, xã Hà Hồi (huyện Thường Tín, Hà Nội), một dòng họ giàu truyền thống khoa bảng. Giáo sư Từ Giấy tham gia Cách mạng từ rất sớm. Chiến tranh, thiếu thốn, đói nghèo, lạc hậu đặt ra một loạt vấn đề cấp bách. Tận mắt chứng kiến những chiến sĩ sống trong điều kiện khó khăn ở vùng rừng núi và chưa có hiểu biết về bệnh tật, nhiều người bị sốt rét cướp đi tính mạng, anh sinh viên Từ Giấy lao vào công việc vệ sinh phòng dịch trong quân đội để rồi suốt đời gắn bó và dành cả trí tuệ của mình cho lĩnh vực này. Tháng 6-1946, Giáo sư được giao nhiệm vụ xuất bản tờ báo Vui sống để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh, phòng bệnh, ăn uống hợp lý cho quân và dân. Báo Vui sống là tờ báo sức khỏe ra đời sớm nhất ở nước ta. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ với cương vị Đại tá, Cục phó Cục Quân nhu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ăn mặc quân đội, Giáo sư Từ Giấy tích cực nghiên cứu đủ mọi đề tài liên quan đến việc ăn uống, việc mặc, việc giữ gìn vệ sinh trong quân đội với nhiều nghiên cứu, đề xuất quan trọng, góp phần xây dựng ngành vệ sinh quân đội, ngành quân nhu và ngành dinh dưỡng Việt Nam.

Những sáng kiến còn lưu danh đến giờ là “gạo 4 túi”, “Rau rừng”, “Trạm chế biến ở chiến trường”, “Lương khô N70, N71”. Tháng 6-1980, Viện Dinh dưỡng quốc gia được thành lập. Tuy đã 61 tuổi nhưng Giáo sư, Bác sỹ Từ Giấy được giao đảm nhiệm trách nhiệm Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đến tận năm 75 tuổi. Giáo sư Từ Giấy suốt đời mong mỏi ứng dụng khoa học dinh dưỡng vào đời sống để giải quyết những vấn đề thực tế của Việt Nam. Ðề xuất và xây dựng hệ sinh thái vườn-ao-chuồng (VAC) là một đóng góp xuất sắc của Giáo sư cho khoa học dinh dưỡng và y tế công cộng. Hệ sinh thái này cũng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho khu vực nông thôn Việt Nam. Giáo sư cũng có công lớn trong xây dựng đường lối dinh dưỡng, đề xuất cơ cấu bữa ăn để cải thiện sức khỏe người Việt.

Giáo sư Từ Giấy được Ðảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, Huân chương Ðộc lập hạng nhì...

Trong câu chuyện của mình, Đại tá Từ Đễ luôn nói đến vai trò của người cha mẫu mực. Cha ông không chỉ nhiệt huyết trong nghiên cứu, mà luôn trăn trở làm sao để đưa khoa học vào đời sống, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Triết lý sống cống hiến, hy sinh vì cộng đồng thấm sang mọi người trong gia đình. Và giờ người cha Anh hùng đã có một người con Anh hùng. Biết tin mình được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân đúng dịp giỗ cha, Đại tá Từ Đễ bảo rằng, chắc cha ông sẽ vui lắm.

“Thế hệ trẻ hôm nay việc quan trọng nhất là phải học, phải rèn luyện sức khỏe. Ngày xưa thanh niên được rèn luyện trong can trường bom đạn nhưng ý chí không nhụt bao giờ. Thanh niên ngày nay phải làm được hơn những gì mà chúng tôi làm được trước đây”, Đại tá Từ Đễ chia sẻ.

Sáng 22 -10, tại Hà Nội, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 52 năm ngày truyền thống (22/10/1963 - 20/10/2015) và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho các cá nhân thuộc Quân chủng. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi lẵng hoa chúc mừng. Tại buổi gặp mặt kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Phương Minh Hòa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã trao và gắn huy hiệu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 18 cá nhân thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân.

Một số hình ảnh tại Lễ trao và gắn huy hiệu danh hiệu
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
cho 18 cá nhân thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân:

Nguyễn Phượng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai thế hệ anh hùng trong một gia đình