Hai bệnh nhi ở Nghệ An vào viện cấp cứu do chó dại cắn. Dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, cả hai em đều không qua khỏi.
Theo Baophapluat, ngày 21/3, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị này tiếp nhận 2 bệnh nhi đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nghi do chó dại cắn.
Theo đó, cách đây hơn một tuần, cháu V.Q.H. (9 tuổi, trú huyện Tân Kỳ) được đưa đến bệnh viện với chẩn đoán bị bệnh dại. Bé H. không được tiêm vaccine dại sau khi tiếp xúc với động vật bị bệnh. Khi nhập viện, bệnh nhi tử vong.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2023, bé L.B.T (3 tuổi, trú huyện Quế Phong) xuất hiện nôn nhiều kèm co giật. Gia đình lo lắng đưa trẻ tới Trung tâm y tế tuyến huyện để cấp cứu.
Sau đó, trẻ được chuyển Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp nghi ngờ bệnh dại. Qua khai thác tiền sử, trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó mèo. Sau khi vào bệnh viện, dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bé T. đã không qua khỏi.
Khi bệnh nhân lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần 100%. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bị chó, mèo cắn, cào, cần sơ cứu vết thương đúng cách. Tiêm vaccine phòng dại là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn - Đại diện Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khuyến cáo.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Bệnh có thể dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại, tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt.
Tại Việt Nam, bệnh dại được ghi nhận quanh năm, thường tăng từ tháng 5 tới tháng 8 do thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho virus dại phát triển. 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại. Bệnh có xu hướng tăng trong hai năm gần đây.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh dại cực kỳ nguy hiểm, chưa có thuốc trị. Nhiều trường hợp tử vong vì không nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh, hoặc chủ quan không tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, nên rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng trong 15 phút, sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Tránh làm dập vết thương, không được băng kín vết thương. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Nên tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.