Trận động đất hồi tháng trước đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đói nghèo ở Haiti khi phá hủy cây trồng và vật nuôi, gây ô nhiễm nguồn nước uống. Nghiêm trọng hơn, nguồn cứu trợ quốc tế chưa thể tiếp cận đa số người dân vì nhiều rào cản.
Đứt gãy nguồn cung thực phẩm
Trong một căn lều ở vùng núi phía Nam Haiti, nơi hàng trăm người dân tìm nơi trú ẩn sau khi trận động đất mạnh 7,2 độ richter san phẳng nhà cửa của họ hồi tháng trước, một lõi ngô cháy đen là thức ăn duy nhất mà họ có thể có trong lúc này. “Tôi đói và con tôi cũng đói”, cô Sofonie Samedy chỉ tay vào chiếc bụng bầu của mình.
Samedy thiếu ăn thường xuyên kể từ khi trận động đất hôm 14/8 phá hủy phần lớn làng Nan Konsey, một ngôi làng nông nghiệp hẻo lánh không xa tâm chấn. Trên khắp Haiti, trận động đất đã giết chết hơn 2.000 người và khiến hàng chục nghìn người khác mất nhà cửa.
Ở Nan Konsey, các “cơn co giật” của trái đất đã phá hủy hầu hết các bồn chứa nước sạch bằng xi măng của ngôi làng, gây ra lở đất làm ảnh hưởng đến các trang trại tự cung tự cấp khiêm tốn của cư dân.
Kể từ đó, Samedy và những người còn lại trong cộng đồng đã phải dựng lều tạm dọc theo đường cao tốc chính, cách ngôi làng của họ khoảng 40 phút đi bộ, với hy vọng có thể xin thức ăn và nước uống từ những chiếc xe tải hiếm hoi đi qua. “Tôi đang cầu nguyện mình vẫn có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh, nhưng tất nhiên là tôi vẫn sợ”, Samedy nói.
Ngay gần đường cao tốc dẫn đến Nan Konsey, vài chục người đàn ông tụ tập tại một chợ dê, nơi họ bán số gia súc còn lại của mình để có tiền nuôi con cái hoặc lo tang lễ cho các thành viên trong gia đình.
Trước trận động đất, nông dân Michel Pierre đã chăm sóc 15 con dê và trồng khoai mỡ, khoai tây, ngô và chuối. Giờ đây, anh đến chợ với hai con vật duy nhất sống sót sau trận động đất. Với việc mùa màng của mình cũng bị chôn vùi dưới những trận lở đất, anh Pierre hy vọng sẽ kiếm được khoảng 100 đôla từ việc bán đất để nuôi sống bản thân, vợ và các con của mình.
Pierre cho biết, khi số tiền bán đất cạn kiệt, anh không biết chắc mình sẽ có thể làm gì. Anh vẫn còn đang mắc nợ từ khi cơn bão Matthew tàn phá Haiti vào năm 2016. “Ngày qua ngày, việc trở thành một nông dân ngày càng khó hơn. Cuộc sống của tôi đang ở trong tay của Chúa”, Pierre nói.
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã làm cho Hispaniola - hòn đảo mà Haiti chia sẻ với Cộng hòa Dominica - ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và bão lớn. Chi phí lương thực tăng cao, kinh tế suy giảm và bất ổn chính trị đã làm tình trạng thiếu hụt lương thực trở nên tồi tệ hơn.
Đối với Gethro Polyte, một giáo viên đồng thời là nông dân sống ở phía Bắc thị trấn Camp-Perrin, trận động đất đã hủy hoại hai nguồn thu nhập chính của anh: san bằng ngôi trường nơi anh dạy học và phá hủy cây trồng, vật nuôi của anh trong một trận lở đất.
Trước khi thảm họa xảy ra, anh và gia đình vẫn có thể co kéo để ăn hai bữa một ngày và lấy nước từ các suối ngầm, nhưng kể từ đó, nguồn cung cấp thực phẩm của gia đình anh bị giảm dần chỉ còn một ít khoai mỡ, chuối và nước bị nhiễm phù sa. “Hiện nay, chúng tôi đang sống bằng cách ăn một chút gì đó chỉ để tiêu diệt cơn đói. Và tất nhiên, mọi thứ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới”, Polyte nói.
Trợ giúp quốc tế gian nan “tìm đường” đến với người dân
Ngày 17/9, một quan chức Liên Hợp quốc cho biết, hàng chục nghìn người Haiti vẫn đang chờ sự trợ giúp, hơn một tháng sau khi trận động đất mạnh 7,2 độ richter xảy ra ở khu vực phía Nam của đất nước.
Ông Bruno Lemarquis, điều phối viên cư trú và nhân đạo ở Haiti cho biết, tình hình chính trị bấp bênh của đất nước này và sự kiểm soát của các băng nhóm đối với những tuyến đường quan trọng dẫn đến khu vực bị ảnh hưởng đang gây khó khăn cho các nỗ lực cứu trợ. Ông Lemarquis nhấn mạnh, những khó khăn đó đang chồng chất lên nhau và nhiều nhu cầu nhân đạo cấp bách vẫn chưa được đáp ứng.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), số người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp tại ba khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất gồm: Sud, Grand’Anse và Nippes, đã tăng 1/3, từ 138.000 người lên 215.000 người.
Ông Lola Castro, giám đốc khu vực Mỹ Latinh và Caribe của WFP cho biết: “Trận động đất đã làm chao đảo những người vốn đang phải vật lộn để nuôi sống gia đình của họ. Tác động kép của nhiều cuộc khủng hoảng đang tàn phá các cộng đồng ở miền Nam, khiến họ phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực cao nhất trong cả nước”.
Haiti chủ yếu tự cung tự cấp lương thực cho đến những năm 1980, khi được sự khuyến khích của Mỹ, nước này bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với nhập khẩu cây trồng và giảm thuế quan. Tuy nhiên, một trận lũ lụt sau đó đã khiến hàng loạt nông dân Haiti phải nghỉ kinh doanh và góp phần khiến đầu tư vào lĩnh vực này bị cắt đứt.
Cùng với đó, Cơ quan Bảo vệ Dân sự của Haiti ước tính, chỉ có 46% người cần trợ giúp nhận được một số hình thức giúp đỡ nhân đạo, phần lớn là các cộng đồng vùng sâu, vùng xa bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong một cuộc họp báo đầu tuần này, cơ quan trên cho biết, gần 83.000 gia đình bị ảnh hưởng, nhưng chỉ có 25.900 người nhận được khẩu phần thực phẩm và 34.500 mặt hàng phi thực phẩm khác.
Ông Lemarquis lặp lại những lo ngại trên và cho biết, cho đến nay, viện trợ đã được phân phối đến các thị trấn và thành phố có thể tiếp cận bằng đường bộ. Ông nói: “Có một thách thức khi đi đến những chặng cuối cùng”. Ông Lemarquis cho biết, quân đội Mỹ vào tuần trước đã tiến hành phân phối lương thực bằng máy bay nhưng hoạt động này hiện nay đã ngừng lại.
Liên hợp quốc đang tìm kiếm 187 triệu đô la để giúp những người bị ảnh hưởng bởi động đất ở Haiti và cảnh báo rằng, gần 1 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong những tháng tới.
Haiti, quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, cũng là nước có tỷ lệ mất an ninh lương thực cao nhất thế giới. Năm ngoái, Haiti xếp hạng 104/107 quốc gia về Chỉ số đói nghèo toàn cầu. Đến tháng 9/2021, Liên hợp quốc cho biết, 4 triệu người Haiti - chiếm 42% dân số - phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.