Hạn chế bất cập trong hoạt động bảo hiểm

PHƯƠNG CHI 02/07/2023 06:55

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua với các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế được những bất cập trong hoạt động bảo hiểm thời gian qua.

Quy định trong Luật giúp cho khách hàng mua bảo hiểm có thể hiểu rõ hơn về thông tin dịch vụ sản phẩm.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua (ngày 20/6) với nhiều quy định mới đã được tiếp thu trong Luật sửa đổi lần này nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung. Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, dự thảo Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát các loại hợp đồng này.

Đối với vấn đề thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, Luật thông qua quy định việc thông báo về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin, thời gian lưu trữ thông tin của người tiêu dùng phải thực hiện trước khi thực hiện giao dịch và phải được người tiêu dùng đồng ý. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đối với việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định về xây dựng quy tắc bảo vệ, sử dụng thông tin và đảm bảo an toàn thông tin.

Liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, cũng tại kỳ họp, nhằm chấn chỉnh và xử lý những bất cập trên thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển lệch lạc, thiếu kiểm soát chất lượng đại lý, thông tin điều khoản lập lờ... Quốc hội yêu cầu Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương xử lý các bất cập trong bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.

Cụ thể, với những bất cập của thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, một số đại biểu đề nghị Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư những năm gần đây là sản phẩm hái ra tiền, mang lại nhiều doanh thu và lợi nhuận lớn cho các ngân hàng.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ các hợp đồng có hiệu lực từ trên 63% năm 2020 lên gần 72% năm 2022. Nếu tính trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới thì bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng đến khoảng 90%. Nhiều doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm chỉ quan tâm làm sao ký được nhiều hợp đồng với khách hàng. Như vậy, các đại lý, nhân viên tư vấn sẽ phải chạy theo doanh số bằng mọi cách. Và không may cho khách hàng nào tin tưởng và rơi vào cuộc chạy đua chỉ vì lợi nhuận này", bà nhớ lại.

Bà N.T.P, (quận 10, TPHCM) thông tin, vào cuối năm 2020, bà được nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn mua sản phẩm Tâm An Đầu Tư để tiết kiệm lấy lãi. Các nhân viên cam kết sản phẩm đầu tư này chỉ có thời hạn 8 năm. Hơn nữa, lãi suất cao hơn ngân hàng với mức từ 8,7 đến 15% nên bà đồng ý. "Thế nhưng, sau khi đặt bút ký, tôi mới tá hỏa ra đây chính là bảo hiểm nhân thọ. Họ tư vấn là gửi gói này rất linh hoạt và lãi suất cao. Tôi có nói nếu là hợp đồng bảo hiểm thì không bao giờ tôi mua", bà P. nhớ lại.

Hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng đã phát triển nhanh chóng và đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ, theo thống kê của Bộ Tài chính. Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Có hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm nếu muốn vay vốn.

Tại nhiều đại lý xe tải, phần lớn khách hàng có nhu cầu mua trả góp. Từ cuối năm ngoái khi tín dụng thắt chặt và lãi suất tăng cao, doanh số bán xe ở một số nơi giảm từ 50 - 70%. Việc phát sinh thêm bất cứ chi phí nào, kể cả bảo hiểm đều ảnh hưởng đến quyết định vay mua của người dân. Chủ một đại lý xe tải (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay: Khách hàng gần như bị bắt buộc mua bảo hiểm nhân thọ thì mới được vay tiền mua xe, như thế rất bất cập và gây khó khăn cho họ. Mặt khác chúng tôi cũng khó bán được hàng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng. Song thực tế vẫn cần kiểm soát chặt chẽ và triệt để hơn nữa.

Dù vậy, với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tin tưởng, với việc đưa các quy định vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì việc bảo vệ quyền lợi tài chính của những tầng lớp dân cư, người tham gia đầu tư sẽ được quan tâm, quy định một cách chặt chẽ. Từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đòi hỏi những hàng hóa tài chính nói chung, quyền lợi tài chính của người tham gia phải được bảo vệ bằng Luật. Việc có quy định trong Luật là cơ sở góp phần giúp cho khách hàng mua bảo hiểm có thể hiểu rõ hơn về thông tin dịch vụ sản phẩm mình mua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn chế bất cập trong hoạt động bảo hiểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO