Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP, trong đó quy định cụ thể về hoạt động thương mại biên giới của thương nhân mua bán và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Theo đó, giao thương giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ cởi mở hơn; tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thay vì xuất khẩu tiểu ngạch.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Trung Quốc tạo điều kiện khai thác và phát huy thế mạnh tiềm năng.
Theo đó, Nghị định 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới là thương nhân Việt Nam, bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo cam kết của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Cửa khẩu biên giới thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật Quản lý ngoại thương.
Nghị định cũng quy định rõ hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật, điều ước quốc tế về kiểm dịch y tế; kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm dịch thủy sản; kiểm tra chất lượng hàng hóa; kiểm tra về an toàn thực phẩm. Nghị định quy định hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới được thực hiện qua các cửa khẩu, lối mở biên giới như các thương nhân.
Thời gian qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -Trung Quốc được đánh giá đã tạo điều kiện để các tỉnh biên giới khai thác và phát huy thế mạnh tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng Việt Nam cần có chính sách phù hợp để hạn chế dần xuất khẩu tiểu ngạch và tăng cường xuất khẩu chính ngạch. Bởi xuất khẩu tiểu ngạch không chỉ nhiều rủi ro mà còn khiến hàng hóa Việt Nam không có động lực để cải thiện chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thừa nhận xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đóng góp một vai trò khá quan trọng vào việc nâng cao đời sống cư dân vùng biên; thế nhưng, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, chính việc xuất khẩu này cũng bộc lộ tính hai mặt. Đó là những rủi ro về hợp đồng với thương nhân Trung Quốc, khiến cho Việt Nam luôn rơi vào tình trạng ùn ứ nông sản, vật nuôi như dư luận đã từng chứng kiến. Bởi vậy, bên cạnh những thuận lợi từ Hiệp định mang lại, theo ông Phạm Văn Trường -Trường Cao đẳng kinh tế thương mại cho rằng, Việt Nam vẫn cần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hàng hóa bảo đảm chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu bằng chính ngạch. Có như vậy mới không còn tình trạng giải cứu các mặt hàng nông sản hay thực phẩm ở nhiều địa phương như thời gian qua. Ngoài ra, Nhà nước cần triển khai cụ thể các giải pháp hỗ trợ thương nhân về thị trường, vốn, tạo thuận lợi trong chiến lược xuất nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu tốt thị trường nước bạn để có phương án xuất khẩu phù hợp.