Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ qua ở Brazil đã làm lộ ra nhiều tác phẩm điêu khắc cổ tại mỏm đá Ponto das Lajes ở bờ bắc của sông Amazon. Khu vực này cũng là nơi hợp lưu của 2 con sông Rio Negro và Solimoes.
Nhà khảo cổ học Jaime de Santana Oliveira - thành viên Viện Di sản lịch sử và nghệ thuật quốc gia Brazil cho rằng, đó là bằng chứng về sự phồn thịnh của khu vực này hơn 2.000 năm trước.
Tuy nhiên, hạn hán năm nay ở khu vực Amazon - con sông lớn hàng đầu Trái đất cho thấy sự nghiêm trọng hơn rất nhiều. Riêng với sông Rio Negro (một phân nhánh của sông Amazon), mực nước giảm 15 mét kể từ tháng 7/2023 và chưa bao giờ xuống thấp đến như vậy. Các đợt hạn hán kéo dài và lặp đi lặp lại có thể khiến các con sông nhỏ sớm bị xóa sổ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng mực nước sông thấp, nhiệt độ nước bị đẩy lên cao khiến cá heo không chịu được. Một số vùng nước lên đến 39 độ C, cao hơn 10 độ so với mức trung bình hàng năm. Cá heo ở sông Amazon thường có màu hồng, là loài cá nước ngọt chỉ có ở các con sông Nam Mỹ, vòng sinh sản chậm khiến số lượng của chúng đặc biệt dễ bị suy giảm. Đợt hạn hán cực đoan ở bang Amazonas của Brazil đã khiến 120 con cá heo “phơi bụng”, đặt loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
“Mực nước sông Amazon - huyết mạch của rừng nhiệt đới khu vực Nam Mỹ, đang tiến gần tới một cuộc khủng hoảng môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người khi thuyền bè bị mắc cạn và cắt đứt nguồn cung cấp lương thực, nước uống cho những ngôi làng ở vùng sâu” - Pedro Mendonca, nhà nghiên cứu môi trường ở Manaus (Brazil) nói. Còn Nelson Mendonca - thủ lĩnh một cộng đồng ở Santa Helena cho biết: “Nước sông cạn kiệt, điều đó không tốt vì chúng tôi gần như bị cô lập".
Theo Trung tâm Cảnh báo thiên tai của Chính phủ Brazil, một số khu vực ở Amazon đã ghi nhận lượng mưa thấp nhất kể từ năm 1980.
Còn tại châu Âu, năm 2022 và 2023, nước ở nhiều dòng sông lớn của châu lục cạn ở mức kỷ lục trong vòng 50 năm. Rõ nhất là Danube, con sông dài thứ hai châu Âu, sau sông Volga ở Nga. Dòng chảy của nó lên tới 2.850km, qua 10 quốc gia là Romania, Hungary, Serbia, Đức, Áo, Bulgaria, Slovakia, Croatia, Ukraine và Moldova.
Báo cáo của Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết, do nắng nóng ở mức lịch sử nên năm 2023 hầu hết các dòng sông lớn trên thế giới cạn nước, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực cuộc sống, càng khiến khí hậu Trái đất khắc nghiệt hơn.