Môi trường

Hạn mặn vẫn khốc liệt

Nguyên Du - Trần Khải 06/04/2024 14:00

Hạn hán, xâm nhập mặn đang tấn công nhiều tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Cà Mau, nhiều tuyến đường sụt lún, sạt lở; nước sinh hoạt thì nhiễm mặn và thiếu hụt trầm trọng, người dân phải xếp hàng mua từng can nước....

anh1.jpg
Gần 3.000 hộ dân tỉnh Cà Mau đang bị thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: NGUYÊN DU.

Khổ trăm bề vì thiếu nước ngọt

Tại ấp 6, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, do mạch nước ngầm đang bị nhiễm phèn, mặn nên người dân trong ấp phải mua nước với giá cao từ nơi khác vận chuyển đến. Một số nơi không có phương tiện vận chuyển, buộc mọi người phải sử dụng nguồn nước dưới ao sau khi tự xử lý.

Bà Thạch Thị Linh (ấp 6, xã Khánh Bình Đông) cho biết, nguồn nước ngọt bị thiếu trầm trọng, lo tiền ăn, giờ lo cả tiền uống. “Lâu nay nhà tôi vẫn phải sử dụng nước dưới ao, xử lý qua rồi nấu ăn, tắm rửa, giặt rũ. Biết là nước không an toàn nhưng cũng không còn cách nào khác” - bà Linh than thở.

Cũng giống như nhà bà Linh, hàng ngày, để có nước phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, gia đình ông Nguyễn Hùng Tâm, cũng ở ấp 6 cho biết, trông cả vào cái giếng khoan bị nhiễm phèn. Để có được xô nước, phải lọc phèn rất kỹ do nước bị cặn lắng nhiều. Mà ngay cả nước nhiễm phèn cũng bị thiếu hụt, máy bơm chạy hết công suất nhưng nước vẫn rất yếu.

“Trước mắt thì cứ sử dụng chứ về lâu dài cũng không tốt cho sức khỏe, nhưng biết làm sao bây giờ” – ông Tâm nói.

Hiện xã Khánh Bình Đông có hơn 500 hộ đang thiếu nước sinh hoạt. Những ngày qua, nắng hạn kéo dài khiến nhu cầu nước càng bức thiết hơn, các kênh, mương giờ đều khô cạn.

Ông Cao Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông cho biết: “Trước đây Nhà nước cũng có đầu tư hệ thống nước sạch, nhưng được một thời gian thì nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn nên bà con trong xã gặp rất nhiều khó khăn”.

Tại xã Biển Bạch, tình trạng cũng tương tự, hàng trăm hộ dân phải mua nước sạch từ các ghe nơi khác vận chuyển đến với giá từ 40 - 50 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, việc mua nước cũng không hề dễ dàng.

Ông Lê Văn Thành (ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) cho hay, muốn mua nước phải báo trước cho họ chuẩn bị khoảng 1 ngày mới có. Chỗ nào mà xa và ít dụng cụ chứa nước họ cũng không đến.

Về vấn đề này, ông Đỗ Vũ Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch nói, xã đã tổng hợp báo cáo về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để hỗ trợ bồn chứa nước cho bà con. Bên cạnh đó, xã cũng vận động mạnh thường quân hỗ trợ nước cho bà con uống hàng ngày. Trước mắt mới đáp ứng được chỉ một phần nhỏ so với nhu cầu của người dân.

anh2.jpg
Nước giếng bị nhiễm phèn, người dân ở huyện U Minh phải lọc rất kỹ trước khi sử dụng.

Đường sụt lún, sạt lở nghiêm trọng

Với 3 mặt giáp biển cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, Cà Mau là địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình sạt lở gia tăng với mức độ khốc liệt hơn, ảnh hưởng lớn tới đời sống và sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân.

Ông Võ Việt Tùng (ấp Trùm Thuật B, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) cho biết, gia đình ông rất vui mừng khi con đường bê tông rộng rãi đi ngang nhà mình được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, mới đi lại một thời gian đoạn đường này đã bị sụt lún, hư hỏng cả một đoạn dài, ảnh hưởng đến cả phần đất của gia đình ông.

“Do nhà và đất nông nghiệp sản xuất ở gần bờ sông nên nhà tôi lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo đất tụt xuống sông. Vì vậy, tôi đã đầu tư hơn 400 triệu đồng làm khoảng 70m kè bê tông kiên cố, bảo vệ luôn phần đất nhà nước làm đường và đất nhà mình. Thế nhưng vụ sụt lún mới đây không chỉ làm hư hại đường mà bờ kè cũng bị thiệt hại. Cứ thế này tôi cũng không biết làm sao để bảo vệ nhà cửa, đất đai nữa” – ông Tùng nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Thành Được - Chủ tịch UBND xã Khánh Hải cho hay: Các tuyến kênh Bờ Tre, Đường Ranh Lớn, Cây Sộp… là những khu vực bị sạt lở, sụt lún đất gây hư hỏng giao thông nông thôn. Chỉ riêng tuyến kênh Cây Sộp dài 3,8km, đã bị sụt lún tới 70%, sạt lở đất xuống sông.

Theo ông Được, nguy cơ xảy ra các vụ sạt lở, lún đất ở các tuyến kênh trên địa bàn xã thời gian tới vẫn rất cao. “UBND xã đã mua cừ tràm, chỉ đạo lực lượng dân quân và nhân dân tiến hành gia cố những đoạn có nguy cơ, cố gắng không để xảy ra sụt lún, sạt lở lộ giao thông. Những đoạn nào đã sụp thì sửa chữa hoặc làm đường tạm để bà con thuận tiện đi lại. Mong muốn của xã là các cấp, các ngành cấp tỉnh, UBND huyện hỗ trợ khắc phục các đoạn đường hư hỏng này” - ông Được nói.

Địa bàn nặng nhất tại huyện Trần Văn Thời là khu vực vùng ngọt xã Khánh Hải với hơn 100 vị trí sụt lún, sạt lở. Kế đó lần lượt tại các xã Trần Hợi, Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Đông…, mỗi nơi xuất hiện vài chục vị trí sụt lún, sạt lở làm hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Theo chính quyền địa phương, các tuyến đường phần lớn được xây dựng gần sông, kênh rạch. Thời điểm mùa khô, nắng hạn nên việc bốc hơi diễn ra nhanh cộng với việc bơm nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn. Trong khi đó, cao độ đáy kênh sâu, độ chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mặt nước rất lớn gây ra sụt lún.

10 năm, 3 lần “đại hạn”

Khoảng gần 10 năm trở lại đây, vùng ngọt Trần Văn Thời đã 3 lần gặp “đại hạn”. Trước đó, vào mùa khô 2016 và 2020, toàn huyện này xảy ra gần 1.500 vụ sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 70km, làm hư hỏng nhiều tuyến đường nhựa, đường bê tông và nhà dân, tổng thiệt hại tài sản gần 140 tỷ đồng. Đó là chưa tính thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do năng suất giảm.

Ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời thông tin, từ đầu năm đến nay, 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện này đã xảy ra 407 vị trí sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 10,6km, làm hư hỏng hơn 7,7km lộ bê tông và một số hạ tầng nông thôn khác do Nhà nước đầu tư, thiệt hại ước tính ban đầu hơn 13,7 tỷ đồng.

“Hạn hán năm nay rất nghiêm trọng và hậu quả đã xảy ra trên vùng ngọt của huyện có 2 vùng sản xuất mặn và ngọt cho nên việc điều tiết nước phục vụ hài hòa cho cả 2 vùng là hết sức khó khăn. Mặc dù được cấp trên quan tâm đầu tư, chính quyền và nhân dân tìm nhiều cách cải thiện, tuy nhiên vấn đề thiếu nước vẫn chưa khắc phục được” - ông Công nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, mùa khô năm nay khốc liệt hơn những năm trước. Các tuyến kênh khô cạn, đường sạt lở, sụp lún đã tạo áp lực rất khi vận chuyển lúa ở vùng ngọt.

Theo ông Sử, hiện tỉnh đã triển khai một số giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu tình trạng sụt lún, sạt lở như theo dõi việc bơm nước phục vụ sản xuất của người dân, không để bơm nước tràn lan làm khô cạn kênh, mương gây thiệt hại. Quản lý chặt chẽ các phương tiện nạo vét, múc kênh rạch, không để các phương tiện thực hiện khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Hạ tải một số tuyến đường có nguy cơ cao xảy ra sụt lún, sạt lở. Hiện tỉnh thực hiện nghiêm việc phân cấp, có nghĩa là trách nhiệm của cấp nào thì cấp đó phải xử lý, đặc biệt là phải có sự tham gia tích cực của người dân.

anh-bo-sung-box-trang-7.jpg

Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, vùng Cà Mau bị ảnh hưởng mặn gần như quanh năm, nguồn nước ngọt không có nhiều, do đó người dân sử dụng nước ngầm nhiều hơn. Vì vậy phải chia sẻ nguồn nước giữa phía trên và phía dưới, chúng ta phải làm những công trình chuyển nước ngọt về bán đảo Cà Mau để giảm áp lực khai thác nước ngầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn mặn vẫn khốc liệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO