Năm 2023, các trường đại học không chỉ tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành mới mà số lượng các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của các trường cũng tăng lên tới hàng chục kỳ thi.
Tăng áp lực thi cử
Trong số hơn 80 trường công bố phương án tuyển sinh năm 2023 thời điểm này thì có gần 10 trường đại học, đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào.
Ví dụ như: Thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, thi đánh giá của Bộ Công an, thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội, thi năng khiếu các trường khối ngành Mỹ thuật, Âm nhạc.
Việc tổ chức các kỳ thi riêng được đánh giá là mở thêm cơ hội vào đại học cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng xu hướng này đang làm tăng áp lực thi cử cho các em bởi trong đó có không ít học sinh lớp 12 phải gánh áp lực của ít nhất 2 kỳ thi, gồm: thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực hoặc tư duy của một trường đại học.
Em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, Châu dự kiến sẽ đăng ký 2 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tuy nhiên, việc tham gia nhiều kỳ thi riêng khiến Châu đang phải đối mặt với những áp lực trong học tập. Ngoài việc ôn tập kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Châu dành khá nhiều thời gian cho việc học thêm, luyện các đề minh hoạ thi đánh giá năng lực trên mạng.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực, đánh gia tư duy bằng một trong hai hình thức: trên máy tính hoặc làm bài trực tiếp trên giấy tùy theo cách tổ chức của kỳ thi đó. Song dù thi bằng hình thức nào, thí sinh cũng phải di chuyển về các địa điểm thi do trường đó quy định để làm bài. Trong khi đó, ghi nhận cho thấy, địa điểm tổ chức thi của các trường còn khá hạn chế, ở một vài địa phương.
Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, hiện có nhiều học sinh có nguyện vọng thi nhiều kỳ thi đánh giá năng lực của các trường. Chỉ riêng việc sắp xếp thời gian để tham gia đủ các kỳ thi này đã là một vấn đề lớn mà học sinh, phụ huynh cần xác định rõ.
Bên cạnh đó, bà Quỳnh cũng cho rằng, các em cũng không thể có nhiều thời gia để học thêm, ôn luyện đề thi đánh giá năng lực, tư duy của tất cả các trường. Như vậy, các em sẽ không đảm bảo việc học tập trên lớp và hạn chế trong tiếp nhận kiến thức. Vì vậy, học sinh nên xác định rõ kỳ thi nào cần thiết thi, kiến thức các em tới đâu để đăng ký dự thi.
Dự thi bao nhiêu kỳ thi riêng là đủ?
Trước nhiều ý kiến lo ngại về áp lực thi cử sẽ gia tăng với các thí sinh khi ngày càng nở rộ các kỳ thi riêng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, Luật sửa đổi bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục Đại học trao quyền tự chủ rất cao cho các trường trong công tác tuyển sinh. Các trường được tự chủ trong phương thức tuyển sinh.
Theo bà Thủy, việc mở ra kỳ thi riêng thực chất là các trường tạo thêm cơ hội trúng tuyển đại học cho thí sinh. Mặt khác, đây không phải phương thức xét tuyển duy nhất của một trường đại học. Các trường còn dành nhiều chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác.
Thống kê của Bộ GDĐT trong mùa tuyển sinh năm 2022 cho thấy, những phương thức truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển bằng phương thức: xét học bạ bậc THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ trọng lớn, trên 80% tổng chỉ tiêu nhập học của các trường. Do đó, bà Thủy khẳn định: “Đây là cơ hội thêm cho các thí sinh đặc biệt đối với những trường có mức độ cạnh tranh lớn, yêu cầu phân loại thí sinh cao. Đây cũng là lý do các trường tổ chức kỳ thi riêng”.
Bàn về áp lực thi cử, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng áp lực của thí sinh bắt nguồn từ nhiều thứ, trong đó có áp lực từ phía phụ huynh. Nhiều năm làm công tác tuyển sinh, ông Thảo cho hay, nhiều thí sinh dù không muốn xét tuyển vào ngành học này nhưng phụ huynh mong muốn nên tạo thêm áp lực cho các em.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý, thí sinh xác định vào ngành học này thì tìm hiểu những trường hoặc đề án tuyển sinh của trường đó có sử dụng phương thức này không. Các em không nên dự thi quá nhiều kỳ thí vì mỗi kỳ thi có tính chất và phục vụ đối tượng nhất định.
Ông Thảo cũng nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi bắt buộc với tất cả các thí sinh mà hầu hết các trường đều sử dụng và dành phần lớn chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển này. Nếu các em ôn tốt cho kỳ thi thì bảo đảm các em thi bất kỳ kỳ thi nào cũng đạt kết quả tốt.
“Các em đi một con đường mà kiến thức, năng lực chắc chắc thì hoàn toàn có thể đến đích mà mình mong muốn chứ không nhất thiết thi quá nhiều kỳ thi khiến việc mở rộng cơ hội vào đại học lại trở thành thách thức cho các em”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, thực chất các kỳ thi riêng ở một số nhóm trường là khác nhau chứ không giống nhau. Trong số các kỳ thi riêng, có kỳ thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có mức độ đánh giá phạm vi tương đối phổ quát, nhiều trường sử dụng kết quả kỳ thi này trong xét tuyển. Còn một số kỳ thi khác, các trường tập trung vào khối ngành, nhóm ngành nhất định.
Vì vậy, bà Thủy lưu ý, khi thí sinh đã xác định hướng nghề nghiệp, lựa chọn các trường ứng tuyển phù hợp với nguyện vọng, năng lực của bản thân thì không cần tham dự nhiều kỳ thi mà chỉ lựa chọn 1 kỳ thi phù hợp nhất. Còn lại, các em nên tập trung kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là cơ hội rất lớn để các em ứng tuyển vào các trường đại học.